Buổi báo cáo kết quả học tập của 3 học viên thuộc Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài (Đề án 393) của thành phố Đà Nẵng vào cuối tuần qua trở thành cuộc trao đổi sôi nổi với những ý tưởng mới mẻ và cả sự phản biện.
Nhiều ý kiến cho rằng, chưa thể đánh giá tổng thể về Đề án 393 bởi đề án này vẫn đang trong quá trình thực hiện. Nhưng qua báo cáo kết quả học tập của các học viên cho thấy, thu hoạch lớn nhất sau khóa học thạc sĩ tại Australia và Anh chính là sự thay đổi tư duy, cụ thể là thay đổi cách nghĩ, cách làm, như nhận định của Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng, “đi học nước ngoài là học cách học, phong cách hiện đại, cách làm việc, cách quý trọng thời gian, tác phong nhanh nhẹn. Môi trường giáo dục ở một số nước tiên tiến mang lại cho người học những điều đó”.
Ông Tiếng viện dẫn 4 thông điệp về giáo dục ở thế kỷ XXI được UNESCO đưa ra, bao gồm: “Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để tồn tại”. Nhưng sau đó, UNESCO thay đổi thông điệp đầu tiên thành “Học để biết cách học” và thay đổi thông điệp thứ tư thành “Học để sáng tạo”, tức là vấn đề tư duy. Quả thật, Đà Nẵng đang cần tư duy năng động của những người trẻ trên chặng đường xây dựng, phát triển thành phố và cần những tư duy đổi mới, đột phá, đưa xã hội hướng đến chân - thiện - mỹ.
Đề án 393 được ban hành năm 2006 đã mang lại cho các cán bộ trẻ của Đà Nẵng cơ hội học tập, nâng cao trình độ ở nước ngoài. Các học viên sau khi hoàn thành khóa học đều thể hiện mong muốn vận dụng kiến thức vào công việc và hình thành các ý tưởng, góp phần vào sự phát triển của thành phố. Nhiều ý tưởng đón đầu đã được đưa ra, như để xây dựng thương hiệu về du lịch cho Đà Nẵng cần phải tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, chẳng hạn tour du lịch bằng trực thăng trên bán đảo Sơn Trà; cần có website riêng quảng bá và xúc tiến các điểm đến; tạo thị trường mua sắm với những sản phẩm riêng biệt của Đà Nẵng để thu hút du khách; hay trong tương lai, du khách tàn tật cần được tạo cơ hội tiếp cận thông tin du lịch và tham gia du lịch tại Việt Nam cũng như tại Đà Nẵng...
Một học viên là chuyên viên Ban Hợp tác quốc tế - Đại học Đà Nẵng mong muốn áp dụng những kiến thức đã học và nghiên cứu trong chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị quốc tế tại Trường Đại học Tây Anh - Vương quốc Anh để phát triển giáo dục Đà Nẵng trong xu hướng hội nhập quốc tế. Học viên này còn kể những câu chuyện rất thú vị về nền giáo dục nổi tiếng ở Anh, trong đó có việc tổ chức hội chợ sách với những đầu sách quý, kinh điển, rất khó tìm để nâng cao văn hóa đọc...
Có thể nói, chương trình đào tạo của Đề án 393 đã mang lại cho học viên cái nhìn mới mẻ và tổng thể về mối tương quan phát triển của một số ngành, lĩnh vực giữa Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng, với thế giới. Những thạc sĩ, tiến sĩ trở về thành phố từ Đề án 393 mang trong mình tâm thế khác: Tâm thế làm chủ tư duy. Không còn việc thụ động chờ chủ trương, chính sách của thành phố, những người trẻ với kiến thức và giáo dục nền tảng, hiện đại có thể chủ động tư duy, đề xuất cách làm, tham mưu cho lãnh đạo giải quyết bài toán về chính sách, quản lý dự án một cách hiệu quả nhất.
Những ý tưởng trên minh chứng cho sự trăn trở, tìm tòi và khát vọng phát triển Đà Nẵng hơn nữa của những người trực tiếp được thụ hưởng Đề án 393. Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cũng khẳng định rằng, mặc dù các ý tưởng nêu ra chưa thật sự hoàn hảo nhưng đều là cách nghĩ mới, thể hiện tư duy năng động của người trẻ. Ông kêu gọi sự chung tay của mọi người để nâng tầm ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng.
“Chung tay nâng tầm ý tưởng” là khẩu hiệu hành động của CLB Cán bộ trẻ thành phố Đà Nẵng. Đó không những là mong muốn của lãnh đạo thành phố trong rất nhiều cuộc gặp gỡ với các cán bộ trẻ mà giờ đây còn là thu hoạch của các học viên Đề án 393. Rồi đây sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ, báo cáo về kết quả học tập của các học viên Đề án 393. Thậm chí, người dân cũng được tham gia trực tiếp các buổi trao đổi này qua điện thoại để lắng nghe và phản biện với các bạn trẻ, đồng thời để sự đồng thuận càng được nhân lên về chính sách đào tạo con người của thành phố Đà Nẵng.
T.P