Giai đoạn 2001-2005, đã có khoảng 286.000 tỷ đồng dành cho đầu tư công, chiếm trên 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Giai đoạn 2006-2010 ước đạt trên 739.000 tỷ đồng, chiếm khoảng trên 24% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Dự kiến tỷ trọng phần vốn đầu tư này cũng tương tự như các giai đoạn trước đó trong giai đoạn 5 năm tới (2010-2015).
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN) |
Những con số này được đưa ra tại Hội thảo Quốc tế về tăng cường quản lý đầu tư, thúc đẩy hiệu quả đầu tư công nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm quốc tế liên quan đến những chiến lược có thể giúp các quốc gia khác nhau nâng cao quản lý đầu tư công do Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản trị khu vực công, Viện Phát triển châu Á tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 8 và 9-9.
Như vậy, tỷ trọng vốn nhà nước cho đầu tư các dự án công, các chương trình mục tiêu là rất lớn. Việc quản lý và sử dụng có hiệu quả phần vốn đầu tư này là rất quan trọng và cần thiết. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần phải có những biện pháp và chính sách thích hợp nhằm đạt được việc sử dụng nguồn lực quốc gia hiệu quả hơn.
Ông Martin Rama, Quyền Trưởng ban phát triển Đông Á (Ngân hàng Thế giới) nhận định, Việt Nam là một nước có tỷ lệ đầu tư công cao, đang trải qua quá trình đầu tư vào nhiều lĩnh vực, chiếm tới gần 40% tổng GDP.
Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực đầu tư của Việt Nam còn hạn chế. Ông Martin đã chỉ ra những yếu kém trong quản lý đầu tư công của Việt Nam như: trong kế hoạch đầu tư tổng thể không chú trọng đầy đủ tới phát triển vùng; không đánh giá môi trường chiến lược để đưa ra những lựa chọn chủ chốt (ví dụ ngành khai khoáng); phân quyền dẫn đến không hiệu quả và chồng chéo; ngân sách rời rạc giữa vốn nhà nước và chi tiêu ngân sách hiện tại; chồng chéo các luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu...
Theo TTXVN