.

Đưa thanh thiếu niên chậm tiến "tham quan" trại giáo dưỡng

.

(ĐNĐT) - Lần đầu tiên, gần 300 thanh thiếu niên chậm tiến ở thành phố Đà Nẵng được đưa đi "tham quan" trại giáo dưỡng, trại tạm giam và được tham quan Khu du lịch Bà Nà

Sáng 7-9, 284 em thanh thiếu niên chậm tiến của 7 quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng trong độ tuổi từ 12-17 đã được đi “tham quan thực tế” Trường Giáo dưỡng số 3 (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), thăm Trại tạm giam Hòa Sơn, và sau đó được đến tham quan tại Khu du lịch Bà Nà.

chamtien.jpg

Tham quan nơi học nghề tại Trường Giáo dưỡng số 3

Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Gặp mặt thanh thiếu niên chậm tiến thành phố Đà Nẵng” nhằm giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến do Thành đoàn, Công an thành phố và Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

"Em biết nếu mình không tốt sẽ phải đưa vào đây"

Điểm đầu tiên, các thanh thiếu niên được tổ chức đi thăm thực tế nơi ăn ở, nơi sinh hoạt, lao động, thăm nhà văn hóa, xưởng học nghề tại Trường Giáo dưỡng số 3 (thuộc Bộ Công an); các em được tham quan khu sản xuất, khu lao động và nơi ăn ở, sinh hoạt của các phạm nhân tại Trại tạm giam Hòa Sơn và sau đó, được đưa lên thăm khu du lịch Bà Nà nổi tiếng của Đà Nẵng.

Khi được hỏi tâm trạng khi tham gia chương trình này, các em lúc đầu tỏ ra e nagị, khá dè dặt. Nhưng sau khi trò chuyện, các em đều thoải mái và cho biết, khi vào thăm Trường Giáo dưỡng và Trại tạm giam Hòa Sơn, các em đều mong không bao giờ phải vào những nơi này.

chamtien1.jpg

Tham quan thực tế Trại tạm giam Hòa Sơn

Em Nguyễn Văn Thành, đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến của quận Hải Châu, cho biết, em hiện đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền. Thời gian vừa qua, em thường hay bỏ học đi chơi game, thỉnh thoảng kẹt tiền nên có đi trộm cắp đồ lấy tiền tiêu.

Khi gia đình biết, khuyên can thì em bỏ học và cùng một số bạn xấu bỏ nhà đi vài ngày. Trong đợt đi này, có 3 bạn cùng nhóm với Thành cũng đi cùng.

Em Nguyễn Thị Thi Nhy (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết, em đang học lớp 9 Trường THCS Lương Thế Vinh. Trong thời gian qua em cũng ham chơi game hơn học, và cũng hay cãi cha mẹ, bỏ nhà đi chơi cùng bạn xấu.

“Sau khi được chứng kiến các bạn đồng trang lứa với mình đang học nghề trong Trường Giáo dưỡng số 3, em mới biết nếu mình không tốt sẽ phải đưa vào đây”, Nhy nói.

Lần đầu tiên được đi chơi

Sau một hồi xếp hàng dài chờ đến lượt để đi cáp treo lên khu du lịch Bà Nà, những nụ cười tươi tắn nở rộ trên gương mặt các em. Bởi, như tâm sự của tất cả các em, đây là lần đầu tiên được đi cáp treo.

chamtien2.jpg

 

chamtien3.jpg

Tham quan và ăn cơm trưa tại Khu du lịch Bà Nà

Khi cáp dừng lại, các em chạy ùa ra ngoài và tản nhau ra thưởng ngoạn cảnh đẹp ở Khu du lịch Bà Nà. Nhiều em chụp lại hình, quay lại cảnh đẹp nơi đây. Khi đi tham quan một lượt, các em tập trung ăn trưa tại nhà hàng Bà Nà By Night. Trong lúc ăn, các em không ngớt trêu đùa nhau.

Em Lê Thị Hận (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), vừa đưa tay làm điệu trước máy ảnh của phóng viên, vừa cười cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được đi chơi vui và thoải mái như thế này”. Nhìn ánh mắt rạng ngời của em, chúng tôi hiểu rằng, đó không chỉ là cảm nhận hay tâm trạng riêng của một mình em mà dường như của tất cả các em ở đây. 

"Đồng hành cùng các em"

Anh Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho hay, những thanh thiếu niên chậm tiến tham gia chuyến “tham quan” lần này đa phần là con em các gia đình nghèo, ít được chăm sóc, quan tâm, nên nguy cơ dính vào các tệ nạn xã hội là rất cao.

“Thông qua chương trình này, chúng tôi muốn giúp các em định hướng lại suy nghĩ của mình, và cố gắng giúp các em sửa chữa, để thành những người tốt. Chúng tôi phân công các đoàn viên, thanh niên trong Chi đoàn, mỗi đoàn viên thanh niên là một người bạn đồng hành với các em, để theo dõi sự tiến triển và cảm hóa, giúp các em giúp các em hướng thiện, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống”.

Chiều cùng ngày, các em thanh thiếu niên chậm tiến đã được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Tại đây, các em có dịp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của bản thân sau khi tham gia vào chuyến “thực tế”, để có hướng suy nghĩ tích cực, rèn luyện nhân cách để trở thành những người con ngoan, trò giỏi, những thành viên có ích cho xã hội.

Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.