Nói về tai nạn giao thông (TNGT), có một vấn đề rất đáng lưu tâm, là đa số những vụ TNGT thường tập trung trên một số đoạn đường hoặc một số vị trí nhất định. Chúng tôi đã thử đi tìm nguyên nhân trên.
Nhiều vụ TNGT xảy ra tại ngã tư Điện Biên Phủ-Hà Huy Tập do lỗi “cắt đầu” phương tiện khác. |
Đường Điện Biên Phủ là con đường đẹp của thành phố, có dải phân cách phân làn xe. Ngoài ra, trên trục đường này được đầu tư khá đồng bộ các công cụ để hạn chế TNGT như đèn điều tiết giao thông, đèn vàng nhấp nháy, dải phân cách mềm…, thế nhưng TNGT cứ liên tục xảy ra. Trên đường Điện Biên Phủ có đến 3 vị trí thường xuyên xảy ra TNGT là ngã tư Điện Biên Phủ-Hà Huy Tập, ngã ba Điện Biên Phủ-Hải Phòng, và đoạn trước Khách sạn Thanh Long. Theo Thiếu tá Võ Đình Quận, Đội CSGT quận Thanh Khê, nguyên nhân dẫn đến TNGT ở ba vị trí này chủ yếu tập trung ở lỗi người điều khiển phương tiện giao thông khi sang đường sớm hơn bình thường, dẫn đến tình trạng “cắt đầu xe” của phương tiện trái chiều.
Ví dụ, tại ngã tư Điện Biên Phủ-Hà Huy Tập, thường thì phương tiện đi trên đường Điện Biên Phủ muốn rẽ trái vào đường Hà Huy Tập phải đi qua phần tâm của ngã tư rồi mới rẽ vào, gọi là đi theo kiểu “cắt đuôi” dòng xe trên đường Điện Biên Phủ chạy về hướng ngã ba Huế. Đi như vậy không dẫn đến hiện tượng xung đột các hướng di chuyển trên đường, đằng này đa số người tham gia giao thông rẽ trái sớm, nên dẫn đến va quệt gây tai nạn. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, đi theo kiểu “cắt đuôi” không đơn giản, vì ở ngã tư này không có bồn binh xoay vòng, thậm chí là phần đánh dấu bằng sơn để người đi đường quan sát lấy đó làm chuẩn để đi.
Tương tự, tại ngã ba Điện Biên Phủ-Hải Phòng, nhiều vụ TNGT xảy ra là do xung đột giữa các hướng di chuyển. Đó là xung đột hướng di chuyển của hai hướng trên đường Điện Biên Phủ với hướng di chuyển từ đường Hải Phòng rẽ vào đường Điện Biên Phủ để vào trung tâm thành phố và một hướng đi ngược lên ngã ba Huế. Quan sát tại vị trí này vào giờ cao điểm sẽ nhận thấy sự hỗn loạn giữa các hướng xe di chuyển, gây nên TNGT. Theo chúng tôi, để điều tiết lượng xe đi qua khu vực này một cách trật tự, nên lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông và quy định giờ cấm xe tải từ đường Điện Biên Phủ vào đường Hải Phòng.
Nên lắp đèn tín hiệu tại ngã ba Điện Biên Phủ-Hải Phòng. |
Tại cầu Sông Hàn, khi lượng người đi tắm biển tăng cao thì số vụ TNGT xảy ra cũng tăng theo, gần như tuần nào cũng có TNGT. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết TNGT xảy ra trên cầu Sông Hàn đều do va quệt giữa các phương tiện di chuyển theo hướng trái chiều lấn làn đường lẫn nhau. Từ thực tế này, vừa qua Ban ATGT thành phố đã có đề xuất lắp đặt hệ thống cọc phân làn mềm bằng cao su. Đây được xem là giải pháp hợp lý, tuy nhiên phải bảo đảm thẩm mỹ cho chiếc cầu nổi tiếng thành phố.
Đặc biệt, tình hình TNGT rất đáng lo ngại tại hai vị trí là vòng xoay đường Nguyễn Hữu Thọ-Lê Đình Lý-Duy Tân và ngã tư Lê Thanh Nghị - Xô-viết Nghệ Tĩnh. Cả hai “điểm đen” này khi xảy ra TNGT thường rất nghiêm trọng, có người chết và bị thương nặng. Một điểm chung của hai “điểm đen” này và cũng là nguyên nhân chính thường dẫn đến TNGT là đường lớn, nhưng mật độ giao thông còn khá thấp, dẫn đến tư tưởng chủ quan của người điều khiển phương tiện. Thêm một điểm chung nữa là sự giao nhau của các trục đường không đồng mức, tức là mặt cắt nền đường không giống nhau.
Cụ thể, đường Lê Thanh Nghị có mặt cắt đường 10,5 mét, trong khi đường Xô-viết Nghệ Tĩnh 33 mét, có dải phân cách. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, như vậy đường Xô-viết Nghệ Tĩnh là đường ưu tiên. Tương tự, đường Nguyễn Hữu Thọ cũng là đường ưu tiên vì lớn hơn đường Lê Đình Lý và Duy Tân. Trên thực tế, rất ít người tham gia giao thông chú ý đến vấn đề này, khi đi vào vị trí đường giao nhau vẫn giữ tốc độ cao nên rất dễ xảy ra TNGT. Qua tham khảo ý kiến của một số chuyên gia cầu đường và lực lượng CSGT đều có chung đề xuất là tại những vị trí này nên có gờ giảm tốc để nhắc nhở lái xe phải giảm tốc độ, bảo đảm an toàn giao thông.
Lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, bồn binh, hay làm gờ giảm tốc… đều là những phương án tương đối đơn giản và không tốn nhiều kinh phí. Thiết nghĩ cơ quan chức năng nên quan tâm xử lý nhằm xóa các “điểm đen” về TNGT.
Bài và ảnh: Thanh Vân