Tại xã đảo An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi có căn phòng đặc biệt. Gian phòng đó là phòng vô trùng, dành riêng cho những người chạy thận. Nơi đó mỗi ngày, cô giáo Bùi Thị Bích Thuận phải ra, vào 4 lần để hút những chất độc trong người, thay cho quả thận đã hỏng của mình. Quả thận của chị đã bắt đầu hỏng từ năm 2004 và từ đó đến giờ, cứ mỗi tháng một lần chị phải vào đất liền để khám và mua thuốc trị bệnh.
Cô giáo Bùi Thị Bích Thuận và Trung úy Nguyễn Đình Hinh bên ngôi nhà đồng đội. Ảnh: VĂN PHIÊN |
Tôi gặp chị lần đầu tại buổi lễ khánh thành và bàn giao nhà đồng đội tặng gia đình chị do cán bộ, chiến sĩ Vùng C Hải quân tặng tại xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi tháng 8-2008. Gương mặt của người phụ nữ nhợt nhạt cùng với nụ cười buồn mang nhiều ám ảnh. Phải khi có người bắt chuyện, chị mới cất lời rời rạc… Hôm đó bà Nguyễn Thị Thuấn là mẹ đẻ của chị Thuận phải đỡ lời: “Trước đây, Thuận to, khỏe lắm. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi, cháu xung phong ra đảo Lý Sơn công tác.
Tại đây, cháu gặp Trung úy Nguyễn Đình Hinh, nhân viên Trạm ra-đa 550 Vùng C Hải quân rồi hai đứa nên vợ nên chồng. “Chồng bộ đội, vợ giáo viên” lại có thêm thằng cu Ngọc Lam kháu khỉnh là niềm hạnh phúc của gia đình tôi. Ai ngờ…. mấy năm gần đây, cháu nó bị bệnh suy thận và còn bị ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam nữa nên hằng tháng phải vào Sài Gòn hoặc ra Đà Nẵng chạy thận nhân tạo, mỗi lần như vậy tốn kém cả chục triệu đồng. Thương chồng, thương con và yêu học trò nên cháu vẫn ra đảo, đến trường xin được đứng lớp. Thôi thì, số phận đã như vậy rồi biết làm sao được”.
Gần đây, tôi gặp lại chị trên đảo Lý Sơn. Thấy chị có vẻ yếu hơn nhưng trông chị lại rất tự tin. Tôi khuyên chị nên vào bờ để điều trị bệnh vì ở trên đảo còn nhiều khó khăn. Chị hồn nhiên: “Ngày tôi ra đảo, Lý Sơn chưa có cầu cảng như bây giờ, muốn vào đảo, tàu phải neo ở xa rồi chờ thuyền thúng đưa vào. Cuộc sống nhọc nhằn trên đảo những ngày đầu rồi cũng trôi qua. Hằng ngày đọc báo, xem ti-vi thấy nhiều người còn cực hơn mình. Ngay tại đảo Lý Sơn này, những thế hệ đi trước cũng đổ bao công sức, thậm chí quên mình để xây dựng một huyện đảo trù phú như bây giờ. Hà cớ chi mình lại buông xuôi”.
Hè vừa rồi, hai mẹ con lại về căn nhà đồng đội của chị, nơi đó cũng có một căn phòng vô trùng mà anh em đồng đội của chồng và người thân chị quyên góp dựng lên để mỗi dịp về đất liền chị lại có nơi trị bệnh. Lâu nay, chị Thuận luôn ước ao được về quê chồng ở Nghệ An, nhưng ước mơ đó khó thành hiện thực bởi căn phòng vô trùng đã gắn chặt với cuộc đời chị. Ở đó, đều đặn hơn cả những bữa cơm, giấc ngủ mỗi ngày, chị phải ra vào 4 lần để giành giật sự sống và tiếp tục gieo chữ, ươm mầm cho những “cây đời mãi mãi xanh tươi” trên đất đảo sóng gió này.
Đón chị tại cổng trường có bố con cu Lam. Họ hạnh phúc đi bên nhau cười nói vui vẻ. Tôi thầm cầu chúc chị Thuận mau chóng điều trị khỏi bệnh và vững vàng như cây phong ba, tiếp tục thực hiện hoài bão, ước mơ cao cả của mình là cô giáo ngoài biển khơi, hằng ngày đứng trên bục giảng với từng trang giáo án để truyền đạt cho học sinh thân yêu của mình về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc, về sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
HẢI QUÂN