.

Hãy bắt đầu từ chiều hôm nay

.

Trong số gần 300 thanh, thiếu niên chậm tiến, nhiều em ngạc nhiên và thích thú bởi chưa một lần đến Bà Nà. Sau khi đi tham quan, các em được gặp gỡ, nói chuyện thân mật với Bác Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.

Các thanh, thiếu niên đang tham quan tại trại tạm giam Hòa Sơn. Ảnh: KIM OANH

“Thành phố mình đẹp quá”

Với mục đích cảm hóa, giáo dục các thanh, thiếu niên chậm tiến thay đổi nhận thức, giảm bớt các tệ nạn xã hội, Thành Đoàn đã phối hợp với Công an, Hội Cựu chiến binh thành phố tổ chức cho các em đi tham quan Trường Giáo dưỡng số 3 ở Hòa Phú, Trại Tạm giam Hòa Sơn và du lịch Cáp treo Bà Nà để các em có thể thấy được sự nghiêm khắc trừng trị của xã hội đối với những hành vi vi phạm pháp luật, thấy được những phong cảnh đẹp của quê hương do nhiều người đóng góp công sức xây dựng, để mình cũng có thể làm việc góp phần xây dựng thành phố.

Thiếu niên Dương Phú Hoàng ở phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ cho biết cảm nhận sau khi đi thăm Trường Giáo dưỡng số 3, trại tạm giam Hòa Sơn và du lịch cáp treo Bà Nà: “con thấy Bà Nà đẹp hơn. Nếu cho con chọn thì con sẽ chọn đi Bà Nà, không vô Trường Giáo dưỡng. Vào đây rồi con mới thấy được cái khổ khi phải vào trại giam… Con hứa sau đợt này sẽ từ bỏ chơi bời, đăng ký đi học lại, sau này ra trường tìm một công việc tốt để xây dựng thành phố mình đẹp hơn. Sau khi đi Bà Nà về con thấy thành phố mình đạp quá”.

Anh Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành Đoàn cho hay: Việc vừa tổ chức cho các em đi tham quan Trường Giáo dưỡng, trại tạm giam Hòa Sơn và du lịch Cáp treo Bà Nà như một hình thức để các em lựa chọn giữa hai mặt xấu và tốt. Thay vì quậy phá, vi phạm pháp luật để vào trại giam, các em có thể tìm một công việc tốt, đi hưởng thụ những phong cảnh đẹp của quê hương bằng chính đồng tiền mà mình làm ra.

“Con không dám tái phạm nữa”...

Đó là lời bộc bạch của em Nguyễn Ngọc Tuấn (17 tuổi, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), biệt danh “Tuấn Tú” trong buổi gặp mặt, nói chuyện với Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh vào chiều ngày 7-9. Tuấn từng là tay anh chị cầm đầu một nhóm chuyên trộm cắp, quậy phá.

Tú lắc lắc mái tóc hoe vàng trả lời “tự nhiên”: “Con nghỉ học rồi, chỉ đi chơi loanh quanh, rảnh thì lấy cắp đồ tiêu xài. Hôm nay được đi chơi Bà Nà, con thích lắm. Nghe lời bác Thanh, con không dám quậy phá nữa”... Cả hội trường vỗ tay rào rào...

Gặp mặt gần 300 thanh, thiếu niên chậm tiến (tuổi từ 12-17) “vang danh” bởi những “thành tích” bất hảo như: Trộm cắp, đánh nhau, gây rối, dùng thuốc lắc..., bằng những lời lẽ tâm tình của người cha, người thầy, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã nói: “Nhiều người đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền, mình cướp không của người ta, nghĩ có được không?” Rồi Bí thư hỏi: Các em đi Bà Nà thấy có đẹp không? Đà Nẵng quê hương mình đẹp vậy đấy, tương lai sẽ có tàu điện ngầm, du thuyền, thành phố sẽ tấp nập, sầm uất. Vậy mình đã làm được gì cho quê hương?

Một phút im lặng, lắng sâu. Nhiều em cúi đầu, suy nghĩ. “Muốn đi chơi, thậm chí đi vũ trường, không ai cấm, nhưng phải đi bằng tiền do chính công sức mình kiếm được, các em có hiểu không?”- Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.

Không thuyết lý dài dòng, đao to búa lớn, vẫn chất giọng dân dã quen thuộc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nói giản dị, cụ thể mà dễ hiểu, nhiều dí dỏm, hài hước: “Con người ai chẳng đôi lần vấp ngã, nhưng quan trọng là phải biết đứng lên. Nhưng chỉ đôi lần thôi nghe, mấy mươi lần là hết cách... Nhớ ma túy còn hơn là nhớ người yêu nhưng phải bỏ vì tương lai.

Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã nêu lên tầm quan trọng của việc học: chán học, bỏ học sẽ dẫn đến những cái xấu. Đó chính là cái gốc của sự lầm đường, lạc lối. “Hãy bắt đầu từ chiều hôm nay để có ngày mai. Hãy làm những việc có ích để xây dựng thành phố giàu đẹp. Ai muốn học lên, thành phố sẽ tạo điều kiện, ai muốn học nghề cho học nghề...”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng đã giao nhiệm vụ cho ngành Công an, đoàn thanh niên theo dõi, dìu dắt các em tiến bộ. Trời đã về chiều, hàng trăm thanh, thiếu niên chậm tiến ra về theo sau Bác Bí thư. Khi được hỏi về suy nghĩ, nguyện vọng của mình, Trần Văn Hùng (15 tuổi) ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà nói: “Con muốn được đi học lại, con sẽ học chăm chỉ để thành người có ích”.

Kim Oanh và Phương Trà

;
.
.
.
.
.