.

Hòa Xuân trước mùa bão lũ

.

Nằm ở thấp trũng, phường Hòa Xuân năm nào cũng bị ngập sâu và ngâm dài ngày trong nước lũ, khiến đời sống nhân dân bao đời cơ cực, nghèo khó. Vậy nên khi thành phố có chủ trương giải tỏa toàn phường để xây dựng khu đô thị sinh thái, khu dân cư mới cao ráo, khang trang, đại đa số người dân Hòa Xuân đều đồng thuận, chấp hành... Nhưng trước mắt, một mùa bão lũ nữa đã cận kề, người dân Hòa Xuân lại phập phồng bao nỗi lo toan.

Mô tả ảnh.

Người dân vùng giải tỏa Hòa Xuân đang khẩn trương xây dựng hoàn thành trước mùa bão lũ nhà cửa ở khu C - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.

Trên đường dẫn vào Hòa Xuân, nhiều tốp xe tải chở đất san nền cho các khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ hối hả nối đuôi vào ra, chúng tôi thấy nhiều hộ dân đang khẩn trương xây dựng nhà cửa tại khu C, mong kịp hoàn thành, dọn đến ở trước ngày bão lũ về. Hộ ông Hồ Văn Nhân bàn giao nhà và đất ở tổ 13, phường Hòa Xuân, với số tiền đền bù và hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng, lên đây làm nhà chưa tròn một tháng, nhưng căn nhà cấp 4 cũng đã cơ bản hoàn thành, ông che thêm mấy tấm tôn làm quán buôn bán nhỏ ở trước nhà.

“Đời sống ở nơi cũ quanh năm quần quật làm nông, cũng không mấy dư dả. Lên đây là không phải phập phồng lo sợ khi bão lũ về. Gia đình tôi tính, mới đầu còn bỡ ngỡ, chưa ổn định nên che thêm quán buôn bán nhỏ, từ từ từng bước rồi những khó khăn cũng sẽ qua. Nhưng cũng mong các cấp chính quyền thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, trước mắt là chỗ học cho 2 đứa con, đứa học tiểu học, đứa học THCS vẫn phải về trường cũ để học, đi lại hơi vất vả”.

Theo kế hoạch, trong đợt 1 sẽ di dời 500 hộ dân ở 3 dự án: F1, E1, khu đô thị sinh thái và sắp đến sẽ tiếp tục di dời theo từng đợt. Theo cô giáo Trương Thị Bích Thủy – Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Dư, tháng 4 vừa qua, điểm trường cơ sở 1 (khu vực Liêm Lạc) của nhà trường phải bàn giao mặt bằng cho dự án, 70 học sinh thuộc 3 lớp 1, 2 và 3 phải dời về trường chính ở Cổ Mân, cách điểm trường cũ 2km để học.

Hiện nhiều nhà dân ở khu vực Lỗ Giáng đã và đang tiến hành tháo dỡ bàn giao mặt bằng, điểm trường cơ sở 4 cũng đã ráp giá đền bù xong, nhưng trước mắt chưa sắp xếp được chỗ học tập nên lãnh đạo quận Cẩm Lệ chưa yêu cầu bàn giao mặt bằng. Sắp tới, 72 học sinh của 3 lớp 1, 2 và 3 tại điểm trường này sẽ dời về điểm trường chính tại Cổ Mân. Trường tận dụng tất cả các phòng chức năng ở các cơ sở trường chính, bố trí ngăn các phòng học để các em học tập... “Hiện khắp nơi đang đổ đất, đi lại khó khăn, nhưng nhiều phụ huynh đều đưa đón con em đến trường.

Để bảo đảm an toàn tính mạng cho các em trong mùa mưa bão, cũng như mọi năm, trường chủ động nắm bắt thông tin để thông báo nghỉ học. Thường xuyên tổ chức lồng ghép tuyên truyền phòng chống tai nạn, đuối nước trong các bài học, nhắc nhở các em không chơi đùa ở gần các điểm ngập nước” – cô giáo Thủy cho biết. Còn đối với Trường mầm non Hương Sen, 2 điểm trường cơ sở tại khu vực Liêm Lạc và tổ 18 cũng đã ráp giá đền bù xong, chuẩn bị bàn giao mặt bằng. Để tránh xảy ra trường hợp thiếu phòng học cho các cháu, trường cũng đã có giải pháp tạm thời là mượn hội trường để bố trí phòng học…

Hơn ai hết, các thầy cô giáo là người lo lắng nhiều nhất khi đến mùa bão lũ. Các cô giáo dạy mầm non thì lo sợ cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học cho trẻ, đặc biệt là các dụng cụ trực quan, bị lũ làm hư hỏng, tốn nhiều thời gian và công sức dọn dẹp, lau chùi, khắc phục. Bản thân trẻ lại là lứa tuổi dễ mắc các loại dịch bệnh sau lũ, nên đi học không được chuyên cần, việc dạy và học bị gián đoạn. Hai trường tiểu học do có nhiều điểm trường lẻ nên giáo viên phải đi lại vất vả, nhất là vào các ngày mưa lũ, thời gian nghỉ do lũ hằng năm nhiều,  nên ảnh hưởng đến việc dạy và học.

Còn đối với người dân, hầu như nhà nào cũng có gác để cất giữ đồ đạc và tránh lũ. Nhờ vậy, nên dù lũ lớn có ập về nhanh và bất ngờ thì nhiều hộ dân chỉ di chuyển lên gác hoặc sang nhà khác cao hơn để ở, không phải di dời đi xa. Một cụ cao niên ở tổ 20 bộc bạch: “Mùa lũ năm nào cũng lo lắng phập phồng, lũ về ngập quá nửa nhà rất cực khổ, có chút của để dành, tích cóp mua sắm được không khuân vác cất trên gác cao kịp là hư hỏng hoặc trôi đi hết”.

Một mùa bão lũ nữa đã đến cận kề, bên cạnh những lo toan phập phồng, người dân Hòa Xuân cũng đã và đang chào đón sự đổi thay, cuộc sống mới, và rồi những ngôi trường mới cho con em họ cũng sẽ được mọc lên cao ráo, khang trang, bảo đảm chất lượng dạy và học.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.