Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, giành được chính quyền, nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ rất quan tâm là khẩn trương xây dựng bộ máy Nhà nước, trong đó có cơ quan Tòa án để bảo vệ chính quyền cách mạng. Chính vì vậy nên chỉ 10 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 13-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33C/SL thiết lập Tòa án Quân sự, đánh dấu sự ra đời của ngành Tòa án Nhân dân (TAND).
Trải qua 65 năm xây dựng, phát triển, ngành TAND cả nước và TAND thành phố Đà Nẵng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và cuộc sống bình yên của nhân dân. Cán bộ, công chức ngành TAND thành phố luôn đoàn kết vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng.
Từ năm 1997 đến nay, ngành Tòa án thành phố đã thụ lý, giải quyết trên 55.000 vụ án các loại, trong đó có nhiều vụ án hình sự nổi cộm, đặc biệt nghiêm trọng như: giết người; hiếp dâm trẻ em; cướp tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản và các tội phạm về chức vụ và quản lý kinh tế Nhà nước như tham ô tài sản, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đáng chú ý như vụ Phan Hoài Linh phạm tội “hiếp dâm trẻ em”, bị xử phạt tử hình; vụ Nguyễn Văn Hùng “trộm cắp tài sản”, “cướp tài sản”, bị xử phạt tử hình; vụ Phạm Đình Dương phạm tội “giết người”, bị xử phạt tử hình, v.v…
Công tác xét xử án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính cũng có sự chuyển biến đáng kể. Trong bối cảnh các tranh chấp về dân sự kinh tế ngày càng nhiều và phức tạp, các thẩm phán ngành Tòa án thành phố với trình độ chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng đã giải quyết xét xử đúng pháp luật, bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của đương sự. Trong công tác của mình, ngành Tòa án rất chú trọng đến công tác hòa giải, nhờ đó đã hàn gắn được nhiều cuộc hôn nhân trước nguy cơ đổ vỡ, các đương sự từ chỗ đối lập về vị trí tố tụng, đối kháng về lợi ích tại Tòa án, đã tiếp tục trở thành đối tác của nhau. Phán quyết có căn cứ, đúng pháp luật của Tòa án đã giúp nhân dân, các doanh nghiệp có niềm tin vững chắc vào luật pháp của Nhà nước ta, vào chính sách và chủ trương của chính quyền thành phố, nhờ đó góp phần giúp các doanh nghiệp, các thương nhân yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài tại thành phố Đà Nẵng.
Một vụ án tòa xét xử. |
Bên cạnh những thẩm phán giàu kinh nghiệm, từng trải, ngành Tòa án thành phố rất chú trọng xây dựng đội ngũ thẩm phán trẻ, được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp để cùng đảm đương nhiệm vụ vốn ngày càng nhiều của ngành. Chất lượng cán bộ thẩm phán đã đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù phải tiến hành xét xử hàng ngàn vụ án mỗi năm nhưng toàn ngành không để xảy ra oan sai và cũng không bỏ lọt tội phạm. Tổng cộng đến nay, riêng Tòa án thành phố đã tuyên 5 bị cáo trong 4 vụ án không phạm tội, trong đó có người bị truy tố theo điều luật có khung hình phạt cao nhất và tất cả các trường hợp này đều được Tòa án cấp trên giữ nguyên án sơ thẩm. Có thể nói đây là ưu điểm nổi bật và đáng biểu dương của ngành TAND thành phố Đà Nẵng.
Ghi nhận những đóng góp thành tích trên các mặt công tác, năm 2010 TAND thành phố Đà Nẵng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, Tòa án quận Thanh Khê được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Nhiều tập thể, cá nhân cũng được trao tặng các phần thưởng cao quý của Nhà nước...
Công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày một mạnh mẽ thì mặt trái của nó, các vi phạm, tranh chấp và tội phạm cũng phát sinh nhiều, ngày càng tinh vi, phức tạp. Hiện nay đã xuất hiện tội phạm công nghệ cao với những thủ đoạn nguy hiểm mà người phạm tội có ở trong nước và cả người nước ngoài thực hiện. Các tranh chấp dân sự kinh tế ngày càng đa dạng, phức tạp, liên quan đến các tổ chức, cá nhân nước ngoài, đòi hỏi người thẩm phán không chỉ nắm vững pháp luật trong nước mà còn phải hiểu biết về luật pháp các nước, thông lệ giải quyết tranh chấp quốc tế.
Nhiệm vụ cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để tiến tới một nền tư pháp văn minh, tiến bộ đang đặt ra yêu cầu nhiệm vụ rất lớn đối với các cơ quan tư pháp. Có thể nói chưa bao giờ các cơ quan tư pháp, Tòa án được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt như hiện nay. Đây là vinh dự lớn lao đối với ngành Tư pháp, là cơ hội để các cơ quan tư pháp, Tòa án khẳng định vị trí, vai trò của mình trong bộ máy Nhà nước, trong đời sống xã hội. Song cũng đặt ra yêu cầu đòi hỏi rất cao đối với các cơ quan tư pháp, là phải cải cách, đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định Tòa án là trung tâm, hoạt động xét xử là trọng tâm và tranh tụng tại tất cả các phiên tòa là khâu đột phá. Ngành TAND tự hào và vinh dự đón nhận vai trò, vị trí trung tâm do Đảng, Nhà nước giao phó và phấn đấu để làm tốt vai trò, vị trí này.
Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề của ngành, hơn lúc nào hết, cán bộ thẩm phán ngành TAND thành phố phải nỗ lực hơn nữa, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Mỗi người cán bộ Tòa án phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ của mình, tìm tòi, mở rộng hiểu biết để theo kịp với sự phát triển của xã hội, có khả năng, hiểu biết để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Có như vậy mới bảo vệ được lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự và ngành Tòa án mới xứng đáng với vị trí vai trò trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp như nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Ngành Tòa án đã và đang triển khai sâu rộng Cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nội dung Phụng công thủ pháp, chí công vô tư, với phương châm gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Tin tưởng rằng, thấm nhuần lời dạy của Người, cùng với sự nỗ lực vươn lên của mỗi cán bộ thẩm phán, phát huy truyền thống vẻ vang 65 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, công chức ngành TAND thành phố Đà Nẵng sẽ ngày càng vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có tư cách đạo đức trong sáng, đủ tâm, đủ tầm để hoàn thành nhiệm vụ cao cả “cầm cân nảy mực” mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
NGUYỄN VĂN QUẬN
Chánh án TAND thành phố Đà Nẵng