.

Nghĩa tình với nữ cựu quân nhân

.

Tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống LLVT thành phố diễn ra vào dịp cuối tháng 8 vừa qua, 123 trong số hơn 1.500 nữ quân nhân đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đang sinh sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được UBND và Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) thành phố gặp mặt, tặng quà, trong đó 2 người được hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp nhà cửa, 10 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đau ốm, bệnh tật được hỗ trợ 10 triệu đồng, số còn lại mỗi người được tặng 3 triệu đồng từ kinh phí của UBND thành phố, BCHQS thành phố và nguồn tài trợ của các doanh nghiệp...

Mô tả ảnh.
Mẹ con bà Hồ Thị Liên năm 1975.

Họ là những nữ quân nhân có hoàn cảnh thật sự khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, đau thương trong những năm tháng chiến tranh và cả thời bình… Bà Hồ Thị Liên ở tổ 29 phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn là một trong hai trường hợp nữ quân nhân được hỗ trợ với mức 50 triệu đồng trong dịp này để sửa chữa, nâng cấp nhà cửa. Tham gia du kích thôn, xã từ năm 1962, cô gái xinh đẹp quê xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp đánh nhiều trận, năm 1965 bà thoát ly đi học bổ túc văn hóa rồi nhập ngũ, làm y tá tại Bệnh xá 77 đóng quân ở Duy Xuyên, sau đó chuyển ra cánh bắc Hòa Vang.

Bà vừa chăm sóc thương binh vừa tham gia gùi hàng, tiếp tế lương thực, thuốc men cho bệnh xá. Năm 1972, bà lập gia đình với người đồng đội Lê Đình Nỳ ở đơn vị C23 sản xuất. Khi con gái đầu lòng chưa tròn 1 tuổi, tháng 10-1974, ông Nỳ hy sinh khi mới chỉ gặp con duy nhất một lần. Một mình bà Liên vừa tham gia công tác, vừa nuôi con trong hoàn cảnh chiến tranh, khó khăn, thiếu thốn trăm bề.

Năm 1975, bà chuyển ngành qua Công ty Xây lắp và công nghiệp dân dụng, trông giữ trẻ cho Trường Mẫu giáo của công ty. Suốt 35 năm sau giải phóng, bà ở vậy nuôi con khôn lớn trong căn nhà tập thể của công ty phân cho đến lúc về hưu. Thu nhập từ đồng lương hưu hạn hẹp, bà nhận trông giữ vài ba đứa trẻ hàng xóm kiếm thêm đồng ra đồng vào. Con gái bà Lê Thị Bích Ngọc lấy chồng, sinh con rồi chia tay với hai bàn tay trắng không có công ăn việc làm, ba bà cháu đùm bọc nhau trong căn hộ tập thể đã xuống cấp trầm trọng, mùa mưa nước xối xuống như trút. Nhà nước đã có quyết định hóa giá căn nhà bà đang ở với số tiền 130 triệu đồng,  nhưng với bà số tiền đó quá lớn. Giờ đây bà Liên đã 70 tuổi, đau ốm thường xuyên, con gái bà cũng vừa vay số tiền 30 triệu đồng để mổ lá lách…

Cuộc sống mưu sinh bao năm rồi đè nặng lên đôi vai gầy guộc của người phụ nữ đã từng vào sống ra chết trong những năm chiến tranh ác liệt nhất. Món quà mà UBND và BCHQS thành phố trao tặng cho gia đình bà dù chưa thể đáp ứng mong mỏi là được sở hữu trọn vẹn một căn nhà để ở, nhưng thật sự có ý nghĩa trong những năm tháng cuối đời của một nữ quân nhân đã từng cống hiến cả tuổi xuân, hạnh phúc cho cách mạng.

Mô tả ảnh.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Dung và con gái nhiễm chất độc da cam.

Bà Nguyễn Thị Dung ở tổ 42, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà cũng từng có những năm tháng là y tá của Tiểu đoàn 2, Mặt trận 44, Quảng Đà. Theo đơn vị đi phục vụ hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, hết trận đánh này đến trận đánh kia, tuổi trẻ của bà dành trọn cho chiến trường với mưa bom, bão đạn, hiểm nguy và chết chóc cận kề. Năm 1980, khi đã 33 tuổi, bà mới gặp người bạn đời của mình là ông Đặng Ngọc Truyền ở cùng Xí nghiệp dược.

Có với  nhau  3 mặt con thì hai đứa bị nhiễm chất độc da cam bởi bà đã có những năm tháng ở chiến trường. Nặng nhất là cô con gái út năm nay 20 tuổi nhưng hầu như không thể tự sinh hoạt. Tất cả đều nhờ vào sự chăm sóc của cha mẹ giờ đã 60, 70 tuổi. Hai con trai đầu của bà đã lập gia đình nhưng đều ở chung với cha mẹ. Ba thế hệ với 10 con người chen chúc nhau trong căn nhà cấp 4 chật hẹp, trước sân làm tiệm sửa xe máy, xe đạp, trong nhà làm tiệm uốn tóc, gội đầu.

Từ ngày đất nước thống nhất đến giờ, bà Dung hầu như chưa được hưởng một chế độ huân, huy chương kháng chiến nào ngoài chế độ theo Quyết định 290 của Thủ tướng Chính phủ. Dù vậy, bà không hề mong mỏi bất cứ điều gì cho bản thân mình mà chỉ có một ước nguyện lớn nhất là cô con gái nhiễm chất độc da cam sẽ được một tổ chức nào đó nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu khi cha mẹ qua đời. Hòa bình đã 35 năm rồi nhưng đêm đêm, nước mắt bà vẫn chảy...

Được biết, trong số 123 chị tại cuộc gặp mặt này, có 8 chị là thương binh từ hạng 1/4 đến 4/4, 5 chị bản thân và con cái bị nhiễm chất độc da cam, hầu hết những chị còn lại đều bị bệnh tật, có người phải đi xe lăn, có người nằm một chỗ, có người chồng bị tai biến, bị liệt hoặc chồng chết nuôi con một mình, nhiều người thu nhập thấp, không có nhà hoặc nhà ở xuống cấp. Mong rằng từ bài viết này, các chị - những nữ cựu quân nhân đã cống hiến trọn vẹn tuổi xuân cho cách mạng sẽ được các cấp, các ngành, các đoàn thể, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần để các chị có cuộc sống tốt hơn trong quãng đời còn lại.   

HỒNG HẠNH

;
.
.
.
.
.