.

Vỉa hè ơi! - Kỳ 1: Chơi trò ú tim

.

Việc lấn chiếm, xử lý, rồi lại lấn chiếm vỉa hè ở ta trông có vẻ khá giống những cuộc rượt đuổi mãi mà vẫn chưa có hồi kết trong loạt phim hoạt hình về chú mèo và chú chuột. Tuy nhiên, nếu Tom & Jerry khiến khán giả bật cười, thì câu chuyện “Vỉa hè ơi!” lại dễ làm ta bật khóc.

Người viết bài này đã nhận được nhiều phản ứng kiểu như: “Ôi, biết rồi! Khổ lắm nói mãi”, “Vỉa hè à! Chuyện muôn thuở í mà”... Biết vậy, nhưng nói mãi mà vỉa hè cũng chưa thấy... thoáng.

Mô tả ảnh.

Quán cà-phê để xe máy lấn ra khỏi phần vỉa hè cho thuê.

Luẩn quẩn

Hầu như ở bất kể đoạn đường nào, nhất là nơi tập trung đông dân cư, việc bảo đảm trật tự vỉa hè cũng rơi vào tình trạng luẩn quẩn. Dọc lề đường Nguyễn Tất Thành, nhiều người dân mang cá mới đánh bắt hoặc vận chuyển cá từ các chợ đến tập trung buôn bán. Dù đã nhiều lần ra quân xử lý, nhưng đội kiểm tra quy tắc đô thị (KTQTĐT) địa phương cũng đành ngậm ngùi: “Hiện tại vẫn chưa có giải pháp khả thi nhất”.

Anh Lê Phước Thống, cán bộ Đội KTQTĐT quận Thanh Khê cho biết: “Không cho mua bán chỗ này, người dân mang cá chạy tới chỗ khác. Dẹp thì họ chạy, xong lại tụ tập như cũ”. Theo anh Thống, khi thấy bóng cán bộ thì mọi người mang rổ lên… bờ kè đường biển ngồi. “Họ bảo: Tui hóng gió, mình cũng chịu thôi. Phải bắt tận tay mới có cơ sở xử lý”, anh Thống nói.

Ở những đoạn đường giáp ranh thuộc phạm vi quản lý của hai địa phương khác nhau, việc xử lý lại càng không đơn giản. Điển hình như đoạn đường Ông Ích Khiêm, khu vực xung quanh chợ Cồn có một bên lề đường thuộc địa phận quận Thanh Khê, một bên thuộc địa phận quận Hải Châu. Ngoài thời điểm hai quận phối hợp ra quân xử lý thì khi Đội KTQTĐT dẹp bên này, người dân sẽ chạy sang bên khác. Huề cả làng! Nói như ông Trần Tấn Lực, Đội phó Đội KTQTĐT quận Thanh Khê: “Chúng ta mới giải quyết phần ngọn của vấn đề”.

Thuê hay lấn chiếm?

Đầu năm 2008, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố. Theo đó, các tổ chức, cá nhân được phép thuê một phần vỉa hè vào các mục đích khác và phải đóng phí. Tuy nhiên, không ít người biến việc thuê vỉa hè thành hành động lấn chiếm công khai. Qua khảo sát cùng với Đội KTQTĐT, chúng tôi ghi nhận nhiều nơi người thuê vỉa hè tự lấn ra khỏi phạm vi đã thuê. Một cán bộ của Đội KTQTĐT cho hay: Có người lợi dụng việc thuê để chiếm vỉa hè cả ngày lẫn đêm hoặc bành trướng ra khỏi không gian được phép thuê. “Không cho thuê có khi còn dễ xử lý, chứ họ có giấy phép thì... hơi khó”, vị cán bộ này nói.

Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng:

Vỉa hè có bề rộng dưới 3m: Không cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông…Vỉa hè có bề rộng từ 3 đến dưới 4m: Lối cho người đi bộ tối thiểu là 1m, phần còn lại cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông. Vỉa hè có bề rộng từ 4 đến dưới 6m: Lối cho người đi bộ tối thiểu là 2m. Vỉa hè có bề rộng từ 6m trở lên: Lối cho người đi bộ tối thiểu là 3m.

Thời gian sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông để thực hiện các hoạt động kinh doanh buôn bán: Ban ngày từ 6 giờ đến 18 giờ. Ban đêm từ 18 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau. Cả ban ngày và ban đêm từ 6 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.

Kỳ cuối: Những người làm công tác giữ gìn trật tự vỉa hè lâu nay bị không ít điều tiếng do đụng đến miếng cơm, manh áo của người nghèo. Chúng tôi đã có một ngày cùng đi để tìm hiểu công việc của các anh và đã cảm nhận nhiều trăn trở.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.