.

Vỉa hè ơi! - Kỳ cuối: Những người bị... ghét

.

Những người làm công tác giữ gìn trật tự vỉa hè bị không ít điều tiếng do đụng đến miếng cơm, manh áo của người nghèo. Chúng tôi đã có một ngày cùng đi để tìm hiểu công việc của các anh và đã cảm nhận nhiều trăn trở.

Trước khi lên xe bắt đầu một ngày làm việc, tôi đã bị hù: “Mặc áo giáp và đội nón bảo hiểm vào. Bởi...” 



Kiểu gì cũng bị chửi

Mô tả ảnh.
Lắm khi đội KTQTĐT phải nhờ đến sự phối hợp của Công an địa phương tiếng nói mới có sức nặng.

Sau chầu cà-phê sáng, chuẩn bị cùng với anh em lên đường làm nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Châu, Tổ trưởng tổ KTQTĐT phường Tân Chính, quận Thanh Khê nói: “Bây giờ ngồi chuyện trò nhẹ nhàng vậy chớ lúc làm việc thì mặt phải ngầu, giọng phải vang. Mình mà cứ thủ thỉ, rù rì theo kiểu tình cảm thì người ta không chịu nghe. Nói trước để nhà báo thông cảm hỉ”.

Sáng nay, ông Châu cùng đồng đội sẽ kiểm tra một số điểm thường xuyên lấn chiếm vỉa hè đường Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám, Hải Phòng. Ông Châu bàn qua với anh em: “Đầu tiên là đến nhà bán than trên đường Hải Phòng. Họ để than bừa bãi gây ô nhiễm, mất mỹ quan đường phố”. Quay qua tôi, giọng ông Châu trầm lại: “Nhà này sống bằng mỗi nghề bán than, lại có tới hai người mắc bệnh tâm thần”. “Cùng là bà con chòm xóm sống chung trên địa bàn nên không thể tránh khỏi sự lấn cấn giữa tình cảm và công việc. Phải biết rạch ròi để tránh kiện cáo. Bên cạnh đó, sau khi xử phạt, mình cũng nhẹ nhàng phân trần, giải thích để người thân hiểu mà thông cảm”, ông Châu cho biết.

Khi làm việc, Đội KTQTĐT phải cần đến các phương tiện khác như ô-tô, dụng cụ tháo gỡ và cả sự phối hợp của Công an địa phương. “Đi tay không thì nói cũng như không”, anh Tài, cán bộ Đội KTQTĐT quận Thanh Khê cho hay. Tuy nhiên, quá rầm rộ đôi khi lại khiến công việc đạt hiệu quả không cao, do “Vừa thấy bóng dáng chúng tôi từ xa, người dân đã bỏ chạy hoặc thông báo cho nhau để thu dọn đồ đạc”, một cán bộ nói.

Những điểm đội KTQTĐT nhắm đến xử lý đều thuộc danh sách “đen”, tức là họ đã bị nhắc nhở rất nhiều lần. Tại mỗi điểm, đội KTQTĐT yêu cầu người dân trả lại phần vỉa hè dành cho người đi bộ đúng như quy định và mời người vi phạm về UBND phường giải quyết.

Tại những điểm này, chúng tôi ghi nhận chỉ có người già, phụ nữ ra trao đổi với đội KTQTĐT, đàn ông tuyệt nhiên không lộ diện. Bởi theo các anh: “Họ đánh vào tâm lý mình là thanh niên, nỡ nào mạnh bạo với đàn bà, phụ nữ”. Đã thế, ngày hôm sau, chúng tôi quay lại những điểm này thì cảnh tượng lấn chiếm vỉa hè vẫn như cũ.

1.001 kiểu ăn vạ

Mô tả ảnh.
Thu gom rồi, ngày hôm sau, cảnh tượng lấn chiếm vỉa hè tại những điểm này vẫn trở lại như cũ!

Nhiều cán bộ đội KTQTĐT từng thuộc đội thanh niên xung kích thành phố (đã giải thể từ tháng 9-2009 để phân lực lượng về đội KTQTĐT các quận, huyện-p.v). Nhờ đã có kinh nghiệm “chinh chiến”, nên các anh không phải ngỡ ngàng trước cách hành xử của một số người quá khích lắm lúc bất chấp tất cả để giành lại món hàng lỡ bị tịch thu. Anh Nguyễn Thanh Sơn, cán bộ tổ KTQTĐT phường Tân Chính kể: “Tôi đã bị tạt nước khi xử lý đối tượng bán hải sản trên vỉa hè. Có người không bị nhắc nhở, nhưng thấy bạn “gặp nạn” nên cũng tự lấy cá của mình ném vào người tôi”.

Có người bỏ chạy băng qua đường để xảy ra tai nạn giao thông. Có người nằm dưới gầm xe với “nhã ý”: Trước khi lấy hàng của tôi phải bước qua xác tôi. Có người chạy xe máy húc vào ô-tô của đội KTQTĐT hoặc kêu đầu gấu mang mã tấu, giơ hình xăm ra… khoe. “Gặp những trường hợp như thế, chúng tôi hoặc đứng ra chịu trận, hoặc phải gọi Công an, Cảnh sát 113 đến phối hợp”, anh Tài cho biết. Ông Châu còn có một kỷ niệm nhớ đời là bị rượt chạy khi đang làm nhiệm vụ. Và dù đã 53 tuổi, nhưng nhiều lần ông đã bị những người đáng tuổi con cháu chửi bới không tiếc lời. Dán chữ Nhẫn lên trán để tránh xảy ra xô xát, đó gần như là nguyên tắc để những cán bộ đội KTQTĐT tự nhắc mình.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.