Từ ngày 8 đến 10-9, tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo lý luận lần thứ 6 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề “Đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế - Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc”.
Đoàn lãnh đạo hai Đảng tham dự Hội thảo. |
Chủ trì phiên khai mạc hội thảo tổ chức vào sáng ngày 8-9, về phía Đảng Cộng sản Việt Nam có các đồng chí: Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng; Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc có các đồng chí: Lưu Vân Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Đảng; Vương Gia Thụy, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng; Tôn Quốc Tường, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam; Vương Hiểu Huy, Phó Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Đảng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Hoàng Bình Quân và đồng chí Vương Gia Thụy đều khẳng định tính thiết thực của nội dung chủ đề hội thảo lần này. Cả hai Đảng đều coi trọng phát triển văn hóa trong điều kiện cả hai Đảng, hai Nhà nước triển khai thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa, đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hai Đảng đều đang lãnh đạo đất nước theo phương châm chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Trong quá trình đó, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng việc xây dựng văn hóa đang gặp nhiều vấn đề cần phải làm rõ nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức trước những yêu cầu phát triển mới. Hội thảo lần này là dịp để hai bên trình bày những vấn đề lý luận và thực tiễn, trao đổi những kinh nghiệm quý báu nhằm xây dựng văn hóa của mỗi nước tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh bày tỏ vui mừng và vinh dự trước việc một hội thảo quan trọng và có ý nghĩa của hai Đảng được tổ chức tại Đà Nẵng. Trong hơn 10 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, trong quá trình hội nhập, Đà Nẵng luôn giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xây dựng môi trường và các thiết chế văn hóa, góp phần tạo nền tảng tinh thần, động lực mới cho phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ngày càng tốt đẹp hơn, đưa văn hóa Đà Nẵng tiếp cận và ngang tầm với sự phát triển của thành phố. Từ hội thảo này, Đà Nẵng sẽ tiếp thu những kinh nghiệm quý báu nhằm hoàn thiện định hướng chiến lược phát triển, thúc đẩy xây dựng văn hóa trong thời đại ngày nay.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Lưu Vân Sơn nhấn mạnh: Văn hóa là ngọn cờ tinh thần của một đảng, một đất nước, là kết tinh giá trị chung của toàn dân tộc. Trong điều kiện kinh tế thị trường, văn hóa được thể hiện bằng hai hình thái là sự nghiệp và ngành nghề; thúc đẩy xây dựng văn hóa XHCN có nghĩa là cần phải một tay nắm sự nghiệp văn hóa mang tính công ích, một tay nắm ngành nghề văn hóa mang tính kinh doanh, thực hiện phát triển văn hóa một cách toàn diện và nhịp nhàng. Mục đích căn bản của phát triển văn hóa là vì dân, sức mạnh phải dựa vào dân, đẩy mạnh xây dựng văn hóa cần phải kiên trì lấy con người làm gốc, phục vụ quần chúng, đáp ứng tối đa nhu cầu văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân.
Động lực phát triển văn hóa bắt nguồn từ cải cách, đẩy mạnh xây dựng nền văn hóa XHCN cần phải kiên trì đi sâu cải cách thể chế văn hóa, không ngừng giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất văn hóa; văn hóa là lĩnh vực đòi hỏi sáng tạo nhất, muốn có được sức sống của văn hóa thì cần phải không ngừng sáng tạo. Đồng chí Lưu Vân Sơn cũng cho rằng, văn hóa là cầu nối tâm linh giữa các quốc gia và các dân tộc khác nhau, thúc đẩy xây dựng văn hóa XHCN cần phải triển khai giao lưu văn hóa nhiều tầng nấc và toàn diện, không ngừng tăng thêm hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân các nước…
Đồng chí Tô Huy Rứa phát biểu khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa trong tiến trình cách mạng và trong công cuộc đổi mới của Việt Nam hiện nay, trong đó nhấn mạnh quan niệm phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nêu rõ 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Thành quả xây dựng văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN qua 25 năm đổi mới đã cho thấy tính tích cực của thị trường đối với sự phát triển của văn hóa; tác động của hội nhập quốc tế cùng với công cuộc đổi mới đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống tư tưởng, đạo đức và lối sống của xã hội Việt Nam, nhiều nét mới trong các giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành…
Tuy nhiên, trong quá trình đó, bên cạnh những tác động tích cực, thì cũng đã có những tác động tiêu cực đến văn hóa, đạo đức, lối sống của không ít người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ trong xã hội. Đây là những thách thức đặt ra cần phải được giải quyết. Từ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần tăng cường lãnh đạo, quản lý, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống sự xâm nhập của các văn hóa phẩm gây hủy hoại đạo đức xã hội.
Đồng chí Tô Huy Rứa cũng đề cập đến việc xây dựng văn hóa trong Đảng trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế nhằm nhận rõ và khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa chính trị và văn hóa; xem xây dựng thể chế để bảo đảm phát huy vai trò của chính trị đối với phát triển văn hóa là vấn đề quan trọng hàng đầu, gắn kết chặt chẽ phát triển văn hóa với công tác chỉnh đốn và xây dựng Đảng, đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị.
Tại hội thảo, các đại biểu đã có những báo cáo chuyên đề nhằm làm rõ hơn những lĩnh vực trong quá trình phát triển văn hóa của Việt Nam và Trung Quốc cũng như Đảng Cộng sản của hai nước; như vấn đề: Hồ Chí Minh và văn hóa, nghệ thuật; cải cách thể chế văn hóa; sự lãnh đạo phát triển văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý trong phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; sự phát triển của công nghệ thông tin; thúc đẩy sáng tạo văn hóa, phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hóa; thành tựu văn học nghệ thuật trong đổi mới; giá trị văn hóa cổ truyền trong điều kiện xã hội mới; tăng cường bồi dưỡng nhân tài văn hóa… Qua đó, các ý kiến tham luận và thảo luận đã đưa ra những vấn đề về lý luận và thực tiễn, trao đổi những kinh nghiệm quý báu nhằm rút ra bài học cho phát triển văn hóa trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của Việt Nam và Trung Quốc.
Tin và ảnh: N.THÀNH