Ngành Quân giới Khu 5 ra đời trên cơ sở tập hợp các cơ sở quân giới, nòng cốt là máy móc, thiết bị ở các cơ sở công nghiệp vùng đô thị được đem lên chiến khu và một số cơ sở thủ công nghiệp, sửa chữa xe máy tự nguyện đóng góp, sau đó thống nhất, tập hợp các xưởng, trạm quân giới của Quân khu 5, Khu 6 và Khu 15 Tây Nguyên thành Sở Quân giới Liên khu 5.
Cán bộ lão thành ngành Quân giới Khu 5 tại cuộc gặp mặt truyền thống. |
Vũ khí làm ra từ ít đến nhiều, từ lựu đạn, mìn, súng kíp tiến đến làm súng đạn tiểu liên, ba-dô-ca, cối, SKZ đánh lô-cốt, diệt xe tăng, đánh đồn bót. Vũ khí do quân giới Khu 5 sản xuất được bộ đội sử dụng trong nhiều trận đánh lớn như đánh phục kích hàng trung đoàn bộ binh cơ giới của địch trên đường 19; đánh tiêu diệt hệ thống căn cứ địch ở Tây Nguyên. Trong các chiến dịch, cán bộ, công nhân quân giới đi sát bộ đội sửa chữa súng bộ binh, thu chiến lợi phẩm, sửa chữa pháo binh, súng máy phòng không…, đáp ứng được ngày càng nhiều trang bị vũ khí, đạn dược cho lực lượng vũ trang Quân khu 5 chiến đấu, góp phần vào thắng lợi của quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong kháng chiến chống Mỹ, vượt qua muôn vàn thiếu thốn, khó khăn, gian khổ, ác liệt, Quân giới Khu 5 đã nêu cao ý chí cách mạng tiến công, tinh thần tự lực tự cường, tận dụng nhiều loại vật tư, vũ khí lấy được của địch chế tạo ra những vũ khí thô sơ, đơn giản nhưng đánh địch có hiệu quả, đồng thời cải tiến những vũ khí hiện đại như đạn hỏa tiễn mang lượng nổ lớn, các loại mìn phóng, đạn bay để đánh vào các sân bay, tàu chiến và các căn cứ của địch. Quân giới Khu 5 đã sản xuất ra những khẩu súng ngựa trời, súng SKZ, ngòi nổ hẹn giờ, cải tiến súng đại liên Brôning của Mỹ để bắn mục tiêu trên không, cải tiến súng AK bắn lựu đạn ghép mảnh… để bộ đội ta khống chế địch càn quét ở nhiều địa phương, làm cho bọn Mỹ-ngụy hoảng sợ.
Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhờ phát huy truyền thống tự lực cánh sinh, từ năm 1963, Quân giới Khu 5 đã xây dựng được các xưởng quân giới trong vùng căn cứ từ quân khu xuống các tỉnh, sản xuất vũ khí cơ bản, quân cụ, sửa chữa súng đạn cho các đơn vị tập trung từ huyện, tỉnh đến quân khu. Năm 1965, bắt đầu xây dựng phong trào quân giới nhân dân ở hầu hết các huyện, xã vùng giải phóng, sát đến vùng ven đô thị, tạo nên một mạng lưới rộng khắp sản xuất vũ khí để đánh giặc, phù hợp với khả năng sẵn có của mình.
Nhiều cán bộ, công nhân quân giới đã không tiếc mồ hôi, xương máu, dũng cảm tìm kiếm hàng vạn tấn sắt thép, vật liệu chiến tranh trong vùng địch, tháo mở hàng vạn quả bom để lấy thuốc nổ và cải tiến đạn pháo, cối lép thành vũ khí cho du kích đánh địch. Các xưởng quân giới và phong trào quân giới nhân dân đã sản xuất tại chỗ 3.200 tấn vũ khí cơ bản và quân cụ, bằng 17% số đạn dược miền Bắc chi viện, góp phần trang bị tại chỗ cho các lực lượng vũ trang quân khu đánh địch trên các chiến trường.
Sau ngày đất nước thống nhất, việc sản xuất vũ khí, đạn dược và trang bị kỹ thuật quân sự được giao cho Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đảm nhiệm. Ở Quân khu 5 ngày nay, Xí nghiệp Liên hiệp (XNLH) Sông Thu là đơn vị duy nhất của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng có nhiệm vụ đóng mới tàu thủy dùng trong các nhiệm vụ đặc biệt về kinh tế và quốc phòng. Phát huy truyền thống ngành Quân giới Khu 5, từ một xưởng sửa chữa tàu nhỏ bé, phương tiện máy móc lạc hậu, đơn sơ, mặt bằng nhỏ hẹp, kỹ thuật chế tạo đơn giản, chỉ trong một thời gian ngắn, cán bộ, công nhân viên XNLH Sông Thu đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, năng động, sáng tạo xây dựng cơ sở vật chất ngày càng khang trang, trang bị thiết bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, vươn lên sản xuất được hàng loạt tàu biển hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết để làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, xử lý ô nhiễm môi trường biển. Sản phẩm của XNLH Sông Thu được sử dụng trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước khác, trong đó có cả các nước có nền sản xuất công nghiệp hiện đại.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH