Tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng không phải là tắt, không sử dụng các bóng đèn khi phải bảo đảm an toàn giao thông cũng như bảo đảm nhu cầu trong xã hội thì cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, các giải pháp công nghệ tiến tiến, sử dụng các nguồn sáng và các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả theo phương châm “Tiêu tốn ít điện năng nhưng chất lượng ánh sáng tốt hơn” đáp ứng nhu cầu sử dụng, đồng thời giảm điện năng tiêu thụ trong chiếu sáng đô thị cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, nhất là vào những giờ cao điểm tối hằng ngày” - Kỹ sư Phạm Tài, Giám đốc Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng cho biết như vậy.
Là người lãnh đạo một đơn vị làm công tác chiếu sáng qua nhiều năm, có nhiều suy nghĩ và trăn trở trong lúc cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đang thiếu hụt điện năng trầm trọng, kỹ sư Phạm Tài đã đề xuất thực hiện một số giải pháp kỹ thuật, giải pháp công nghệ tiên tiến áp dụng trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm mục đích tiết kiệm điện năng.
Trước tiên là giải pháp kỹ thuật: Phương pháp Dimming. Để thay thế cho việc cắt giảm điện cưỡng bức một số đèn về đêm trên tất cả các tuyến đường của thành phố Đà Nẵng trong các năm 2008 và 2009, anh đã đưa ra giải pháp kỹ thuật gọi là phương pháp Dimming, sử dụng chấn lưu 2 mức công suất cho 8 tuyến chiếu sáng của thành phố Đà Nẵng. Ưu điểm chính của giải pháp kỹ thuật này là góp phần tiết kiệm điện năng cho chiếu sáng công cộng, giảm đến 30% lượng điện tiêu thụ mỗi bóng đèn, cường độ ánh sáng luôn được phân phối đồng đều trên suốt tuyến chiếu sáng, tăng cường tuổi thọ cho bóng đèn và chấn lưu, loại bỏ hoàn toàn tình trạng bất cập là phải cắt giảm phụ tải chiếu sáng công cộng một cách cưỡng bức, giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính CO2, không gây ô nhiễm môi trường. Với giải pháp kỹ thuật này, trong năm 2009, công ty đã tiết kiệm được 140 triệu đồng chi trả tiền điện chiếu sáng công cộng cho Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng. Đây cũng là giải pháp kỹ thuật được chọn thí điểm cho cả nước, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia tiết kiệm năng lượng và hiệu quả của Bộ Công thương, với sáng kiến này anh đã vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng Lao động sáng tạo năm 2008.
Về thực hiện giải pháp công nghệ tiên tiến, trong năm 2009, kỹ sư Phạm Tài đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu chế tạo và lắp đặt đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ Nano phát sáng”. Mục tiêu của đề tài này là nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản xuất bộ đèn LED Nano kết hợp giữa công nghệ Nano và công nghệ phát sáng nhằm tạo ra các sản phẩm tiết kiệm điện năng tiêu thụ, thuận tiện đối với những nơi có nguồn điện không ổn định, bảo đảm ánh sáng cho các ngõ xóm, góp phần bảo đảm an ninh, văn minh về đêm tại các khu dân cư.
Đây là công trình khoa học mới, các vấn đề khoa học, công nghệ lắp đặt hoàn toàn thuộc kiểu dáng Việt Nam, có tất cả 55 bộ đèn được nghiên cứu chế tạo và lắp đặt cho 12 ngõ xóm ở 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn, mỗi bộ đèn 24W thay cho đèn Compact 50W, Mercury 80W và Mercury 125W, tiết kiệm hơn 50% lượng điện tiêu thụ. Các bộ đèn nói trên đã vận hành gần 1 năm và hoạt động ổn định. Đề tài khoa học này có ý nghĩa về mặt kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Đây là một bước đột phá trong chiếu sáng đô thị, thay thế dần cho các đèn đã dùng trước đây như đèn sợi đốt 100W, đèn Mercury 80W, đèn Mercury 125W và đèn Compact 50W… ít tốn kém năng lượng điện, tiết kiệm điện năng tiêu thụ mà lượng quang thông phát ra không thay đổi cho dù nguồn diện cung cấp không ổn định. Thành công của đề tài đáp ứng tốt phương châm “Không tiết kiệm ánh sáng mà tiết kiệm năng lượng”. Điểm nổi trội nữa của đề tài là tuổi thọ của đèn LED Nano rất cao, đạt 50.000 giờ so với các đèn Compact và Mercury chỉ đạt 6.000 giờ. Thân thiện với môi trường, công suất tiêu thụ nhỏ góp phần giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính CO2 phát ra, giảm tối thiểu chi phí xử lý phế thải do không có thủy ngân.
Độ an toàn, giảm rủi ro cháy nổ do phát nhiệt ít. Về sức khỏe, giảm thiểu bức xạ tia cực tím và tia hồng ngoại, không nhấp nháy, giảm thiểu mỏi mắt. Đây là một đề tài khoa học cấp thành phố, thuộc lĩnh vực công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, được UBND thành phố Đà Nẵng xét duyệt theo Quyết định số 2452/QĐ-UBND, ngày 31-3-2009. Đề tài đã được Hội đồng Khoa học thành phố nghiệm thu theo Quyết định số 210/QĐ/SKHCN, ngày 8-12-2009 về việc chế tạo lắp đặt 55 bộ đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ Nano phát sáng. Ngày 21-12-2009, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận kết quả nghiên cứu khoa học số 07/2009/KQNC-SKHCN; Cục Bản quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả số 2930/2009/QTG ngày 21-8-2009. Đây là một trong 39 công trình khoa học xuất sắc đã được Hội đồng Khoa học quốc gia bao gồm các nhà khoa học và các chuyên gia đầu ngành chấm giải, thẩm định và công nhận công trình đọat giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2009 (VIFOTEC–2009) trong tổng số 105 công trình tham dự.
Với công trình khoa học này, anh vinh dự là cá nhân duy nhất của thành phố Đà Nẵng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng bằng -Lao động sáng tạo năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc đoạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2009 và trao tặng Cúp Vàng sáng tạo năm 2009. Với đề tài khoa học này, Chủ tịch UBND thành phố đồng ý cho tiếp tục lắp đặt thí điểm các ngõ xóm trên địa bàn 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn; trong tương lai không xa sẽ vươn ra lắp đặt cho cả nước để thay dần các loại đèn vừa có công suất tiêu thụ điện năng lớn, vừa có công nghệ lạc hậu, tuổi thọ thấp, hướng đến thế kỷ 21 là thế kỷ của côngnghệ Nano.