.

Chiều tối 18-10, siêu bão Megi vào biển Đông

.

(ĐNĐT) - Trong khi đợt mưa lũ lịch sử vẫn đang tiếp tục hoành hành ở các tỉnh Bắc Trung bộ thì theo Đài Khí tượng thuỷ văn Trung Trung bộ, chỉ trong vòng chưa đầy 12 tiếng đồng hồ nữa, siêu bão Megi sau khi vượt qua đảo Ludong (Philippines) bắt đầu đi vào biển Đông và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển nước ta.

Dự báo hướng đi của siêu bão Megi (Nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương)

Theo đó, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 13 giờ ngày 18-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 121,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Lu Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 17 (tức là từ 202 đến 221 km một giờ), giật trên cấp 17. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 350 km.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Như vậy khoảng chiều tối và đêm ngày 18-8, bão Megi sẽ đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 19-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 117,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 400 km.

Đến 13 giờ ngày 20-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc, 114,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Do ảnh hưởng của bão, gần sáng và ngày mai (18-10) vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 17. Biển động dữ dội.

Trước tình hình đó, ngày 17-10, ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, lúc 13g chiều 18-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì buổi giao ban trực tuyến với các thành viên Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và Ban chỉ huy PCLB các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà để triển khai các biện pháp đối phó với bão, lũ.

Đã có 3 người chết, mất tích do mưa lũ

Trong khi đó, theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến sáng 17-10, mưa lũ trong những ngày qua ở miền Trung đã làm 3 người chết và mất tích (Hà Tĩnh 1 người chết, 1 người mất tích; Thừa Thiên - Huế 1 người mất tích).

Hàng trăm nhà dân ở xã Phương Mỹ (Hương Khê, Hà Tĩnh) chìm sâu trong lũ. Ảnh: baohatinh.vn

Tại Nghệ An, nhà dân khu vực ven thành phố Vinh bị ngập từ 0,2 – 1,5m. Tại Hà Tĩnh, tổng số 143 xã của 12 huyện, thị trong tỉnh bị ngập, lụt; trong đó 3 huyện, thị tất cả các xã đều bị ngập (Hương Khê: 22/22 xã; Vũ Quang: 12/12 xã; thành phố Hà Tĩnh: 16/16 xã). Tổng số nhà dân bị ngập: 35.430 nhà (Hương Khê: 14.000 nhà; Vũ Quang: 3.096 nhà; Cẩm Xuyên 4.300 nhà; 14.234 nhà thuộc các huyện, thị còn lại). Quảng Bình có tổng số có 13.792 nhà bị ngập thuộc huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh. 

Quốc lộ 1A, 15A, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường tỉnh lộ, giao thông nông thôn của Hà Tĩnh bị ngập sâu, có chỗ lên đến 2,5m, gây ách tắc giao thông. Quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh nhánh đông và các tuyến đường tỉnh lộ của Quảng Bình có nhiều đoạn bị ngập sâu 0,5- 2,0m; đường sắt Bắc Nam bị sạt lở gây tắc đường, đến 17h ngày 16-10 đã thông tuyến. 

Theo Cổng TTĐT Chính phủ, sáng 17-10, Thủ tướng Chính phủ có công điện khẩn yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính triển khai cấp ngay 2.000 tấn gạo và 200 tỷ đồng cho nhân dân 2 tỉnh trên để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong đó, mỗi tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh được hỗ trợ 1.000 tấn gạo, 100 tỷ đồng.

Cẩm An - Đ.N

;
.
.
.
.
.