.

Chủ động đối phó với bão Megi

.
Sau khi tràn qua Philippines, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho một số địa phương ở nước này, siêu bão Megi, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 17 (tức là từ 202 đến 221km/giờ), giật trên cấp 17 đang di chuyển nhanh về biển Đông. Đây là cơn bão có cường độ lớn nhất kể từ trước đến nay xuất hiện trên biển Đông.
 
Mô tả ảnh.
Công ty Cây xanh Đà Nẵng triển khai cắt tỉa cành nhánh cây xanh đường phố.
 
Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, 7 giờ sáng nay (19-10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc, 119,4 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa 770km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14, 15 (tức là từ 150 đến 183km/giờ), giật cấp 16, cấp 17. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 350km. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 7 giờ sáng mai (20-10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ vĩ bắc, 116,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa 460km về phía đông. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia và của một số nước khác, hướng di chuyển của bão khá phức tạp, chưa xác định sẽ đổ bộ vào khu vực nào.  

Đến chiều 18-10, ngư dân Đà Nẵng có 37 tàu/357 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó 32 tàu/213 lao động đang đánh bắt tại vùng biển gần bờ từ Quảng Bình đến Quy Nhơn; 1 tàu/6 lao động đang hoạt động tại vùng biển Nghệ An; 1 tàu/10 lao động đang đánh bắt tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ; 3 tàu/28 lao động hoạt động tại vùng biển thuộc khu vực đảo Cát Bà (Hải Phòng). Đến nay, Bộ đội Biên phòng thành phố đã thông báo tình hình bão cho 15 tàu, số còn lại đang tiếp tục bắt liên lạc.

Ngày 17-10, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố đã nhận Công điện khẩn chỉ đạo đối phó với bão Megi của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia TKCN. Cũng trong ngày, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố đã có Công điện số 112/CĐ-PCLB gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các quận, huyện, sở, ngành, yêu cầu: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo đến 100% tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết thông tin và diễn biến bão Megi, yêu cầu các tàu này khẩn trương chạy về đất liền trú bão; tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão; tổ chức sắp xếp tàu vào neo đậu ở nơi an toàn. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các quận, huyện, sở, ngành triển khai phương án đối phó với “siêu bão”.

Chiều 18-10, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố đã có cuộc giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia TKCN, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Bão Megi là cơn bão cực lớn, hướng di chuyển khá phức tạp, dự kiến sẽ đổ bộ vào nước ta. Các địa phương phải chuẩn bị ngay phương án sơ tán dân một cách cụ thể, phân công cán bộ phụ trách từng thôn, từng cụm dân cư, nhất thiết phải sơ tán triệt để dân ra khỏi những vùng cửa sông, ven biển, nơi có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng trực tiếp của triều cường do bão; những nhà không bảo đảm an toàn, đặc biệt tại các thành phố đông dân, thị xã, các khu du lịch ven biển.
 
Gọi tất cả tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương về đất liền trú bão, đặc biệt là 344 tàu đang hoạt động ở khu vực 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tổ chức neo đậu tàu thuyền trú bão chu đáo, không để thiệt hại do bão tại nơi neo đậu. Các địa phương triển khai ngay phương án đối phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị ứng phó kịp thời, hiệu quả khi tình huống xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ huy PCLB& TKCN thành phố Phùng Tấn Viết chỉ đạo: Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các cấp và cơ quan chức năng (Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ và các cơ quan thông tin đại chúng) thông báo chính xác và kịp thời diễn biến bão Megi đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và từng người dân, triển khai ngay việc cắt cành, tỉa nhánh cây xanh đường phố và tại các công sở. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, có phương án đối phó hiệu quả, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên theo dõi chỉ đạo việc chống bão ở các địa phương, sở, ban, ngành.
 
Chủ tịch UBND các quận, huyện rà soát phương án PCLB&TKCN của địa phương mình, đặc biệt chú trọng phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đối với huyện Hòa Vang, tăng cường các biện pháp bảo vệ sự an toàn các hồ đập. Giám đốc các sở, ban, ngành chỉ đạo triển khai ngay việc chằng chống nhà cửa công sở, đặc biệt các trường học, bệnh viện, trạm y tế… Sở Công thương chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống… đáp ứng đủ yêu cầu đối phó với siêu bão và lũ lớn. Sở Y tế chuẩn bị chu đáo về nhân lực và trang thiết bị, thuốc men đáp ứng yêu cầu cấp cứu khi tình huống xảy ra. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố có phương án đề xuất Quân khu 5 điều động xe thiết giáp lưu thông trong thời gian bão xảy ra, chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu sơ tán dân và cứu hộ, cứu nạn trong bão.
 
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố triển khai ngay việc kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương về đất liền trú bão; phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan tổ chức tàu thuyền vào nơi neo trú an toàn, đồng thời chuẩn bị phương án cứu hộ, cứu nạn khu vực cửa sông, ven biển… Công an thành phố chuẩn bị phương án sơ tán dân, bảo đảm an ninh trật tự khi bão xảy ra, bảo vệ an toàn tài sản cho nhân dân. Ban Quản lý các khu công nghiệp yêu cầu các nhà máy, xí nghiệp triển khai ngay việc chống bão cho nhà xưởng… Đồng chí Phùng Tấn Viết cũng lưu ý: Nghiêm cấm người dân ra đường khi có bão lớn, hạn chế thấp nhất di chuyển qua vùng lũ, đồng thời chủ động chuẩn bị radio tiếp nhận thông tin về bão, bởi trước khi bão xảy ra sẽ cắt điện…

* Theo Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố, khi bão từ cấp 10 sắp đổ bộ vào Đà Nẵng, ít nhất 32.570 hộ với 137.726 nhân khẩu tại 51 phường của 6 quận sẽ phải sơ tán đến nơi an toàn. Trong đó, Cẩm Lệ 2.426 hộ, Ngũ Hành Sơn 1.434 hộ, Thanh Khê 3.932 hộ, Liên Chiểu 3.421 hộ, Hải Châu 2.766 hộ, Sơn Trà 3.601 hộ. Khi lũ đặc biệt lớn xảy ra sẽ có tới 13.123 hộ với 44.627 người phải sơ tán, trong đó huyện Hòa Vang 6.598 hộ, quận Liên Chiểu 1.489 hộ, Cẩm Lệ 2.384 hộ, Ngũ Hành Sơn 1.163 hộ, Hải Châu 1.489 hộ.
 
Được biết, trong năm 2010, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN đã cấp phát thêm 1.500 áo phao cứu sinh, 800 phao tròn, 6 phao bè, 3 nhà bạt, 35 loa cầm tay cho các địa phương, đơn vị phục vụ công tác phòng chống lụt bão. Để thực hiện công tác PCLB&TKCN hiệu quả, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố đã đề nghị Chính phủ và Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, Ủy ban Quốc gia TKCN hỗ trợ 12 xuồng cao tốc, 50 nghìn áo phao cứu sinh, 5.000 phao tròn, 100 nhà bạt và đầu tư kinh phí nâng cấp 4 hồ chứa vừa và nhỏ gồm hồ Hóc Khế, Trước Đông, Đồng Tréo, Trường Loan.

Ngày 18-10, Công ty Cây xanh Đà Nẵng đã triển khai cắt tỉa cành, nhánh ở hàng trăm cây xanh tại nhiều đường phố trên địa bàn các quận nội thành.

Tin và ảnh: N.C
;
.
.
.
.
.