(ĐNĐT) - Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật tố tụng hành chính (TTHC) ngày 23-10, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, thủ tục khởi kiện vụ án hành chính là một hướng mở rất nhân văn nhằm trao cho người dân quyền tự do lựa chọn một trong 2 hướng: kiện cơ quan hành chính hoặc kiện ra tòa mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện.
Việc quy định cơ chế thông thoáng “dân kiện quan” không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà cho cả tòa án trong việc thụ lý, giải quyết án hành chính.
Đồng thời cũng nhằm hạn chế, khắc phục những biểu hiện lạm dụng quyền lực, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan, công chức nhà nước trong việc giải quyết công việc cho người dân, tạo cho công chức nhà nước ý thức tôn trọng pháp luật, phải biết sợ pháp luật, vì nếu không làm đúng pháp luật thì sẽ bị người dân khởi kiện.
ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội trường ngày 23-10 |
Việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quy định tại các Điều 228, 229, 237, 238 dự thảo luật, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại một cách thận trọng hai vấn đề sau đây:
Một là, Điều 130 Hiến pháp quy định, khi xét xử, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Khoản 2, Điều 229 và khoản 2, Điều 238 dự thảo luật quy định tại phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, ngoài sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, còn có Bộ trưởng Bộ Tư pháp, và có thể mời cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến tham dự phiên họp. Dự thảo luật quy định các thành phần nêu trên tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là chưa phù hợp. Bởi lẽ, Điều 127 Hiến pháp quy định chỉ có Toà án mới có thẩm quyền xét xử; đồng thời, trong công tác xét xử của Tòa án thì chỉ có Viện kiểm sát mới có quyền kiểm sát xét xử. Các cá nhân, cơ quan nhà nước khác không được can thiệp vào công tác xét xử của Tòa án.
Do đó, để đảm bảo tính khách quan trong xét xử của Tòa án, cần thiết kế lại quy định tại Khoản 2, Điều 229 và khoản 2, Điều 238 dự thảo luật theo hướng, phiên họp Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chỉ cần có sự tham dự của Viện trưởng VKSND tối cao là đủ.
Hai là, Điều 131, Hiến pháp và Điều 6, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định, Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Theo cách hiểu hiện nay thì đa số có nghĩa là trên 50%. Trong khi đó, tại khoản 3, Điều 228 và khoản 3, Điều 237 dự thảo luật quy định, quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải được ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao biểu quyết tán thành. Do đó, đề nghị cân nhắc lại quy định này, sao cho đảm bảo nguyên tắc hợp hiến và hợp pháp. Đại biểu đề nghị không nên tuyệt đối hóa quy định của pháp luật, mà nên quy định một nguyên tắc xét xử chung theo đúng Điều 131, Hiến pháp và Điều 6, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân là: Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử tập thể và quyết định theo đa số.
HỮU HOA