.

Dạy nghề cho phụ nữ Hòa Xuân

.
Trong suốt 1 tháng, vào các buổi tối, hơn 60 chị em phụ nữ phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), trong đó phần đông là phụ nữ từ 30 tuổi trở lên đều háo hức cầm vở, bút lên trụ sở UBND phường để được nghe, xem các giáo viên ở Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ thuộc Hội LHPN thành phố hướng dẫn kỹ thuật và tận tay thực hành chế biến các món ăn. Lớp học miễn phí này thiết thực giúp hội viên phụ nữ phường Hòa Xuân có điều kiện chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống sau khi định cư ở nơi ở mới.

Mô tả ảnh.
Đông đảo phụ nữ phường Hòa Xuân tối tối đến lớp chăm chú học kỹ thuật chế biến các món ăn để chuyển đổi ngành nghề sau này về nơi ở mới.
 
Những tưởng lớp học kéo dài một tháng, lại tổ chức ở một phường thuần nông, phần lớn chị em đang nhấp nhổm, lo lắng chuyện đền bù giải tỏa… và điều kiện đường sá xa xôi, gập ghềnh sẽ khó lòng duy trì được, nhưng có tận mắt chứng kiến một buổi hướng dẫn kỹ thuật chế biến món ăn tổ chức tại phường Hòa Xuân với đông nghịt chị em chăm chú lắng nghe, ghi chép và trao đổi mới thấy hết được mục đích thiết thực của lớp học.
 
Gần 40 món ăn ngọt và mặn từ bình dân đến cao cấp có trong các quán ăn nhỏ đến nhà hàng sang trọng như: mỳ Quảng, bánh nậm, bánh gói, bánh phu thê, phở Hà Nội, cà-phê và các loại trà, chè bà ba, chè hoa cau, chè long nhãn, lẩu hải sản, lẩu gà, cơm hội hoa đăng, bò bít-tết, khoai tây chiên, soup bắp cua, la-gu sườn nấu cam, chả bò đùm, gỏi cung đình… được các giáo viên lần lượt hướng dẫn từ cách chọn lựa nguyên liệu đến cắt thái, nấu nướng; học viên ghi chép, trao đổi và cũng thực hành chế biến, nếm thử. Cuối buổi học, cả giáo viên và học viên cùng ngồi lại bên nhau, một lần nữa thưởng thức hương vị và tiếp tục củng cố, trao đổi thêm về kỹ thuật chế biến, cách bày bán bắt mắt, hấp dẫn, cách phục vụ khách…
 
Sau khi hoàn tất một tháng vừa học lý thuyết, vừa được hướng dẫn thực hành, các học viên sẽ được đến các nhà hàng, quán ăn lớn (doanh nghiệp) thực tập và sau đó mỗi học viên được cấp chứng nhận hoàn thành khóa học – một “tấm bằng” đủ uy tín để lọt vào mắt xanh các nhà tuyển dụng nhân sự ở các nhà hàng lớn, hoặc tự tin mở quán nhỏ để buôn bán, tập hợp thành nhóm để nấu các bữa tiệc, cưới… giúp chị em có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.

Với mục đích mở lớp học nhằm giúp chị em trên 30 tuổi chuyển đổi ngành nghề, nhưng lại có khá đông bạn trẻ tham gia, nhất là lứa tuổi học sinh. Một nữ sinh đang học tại Trường THPT Hòa Vang cho hay: “Hai mẹ con em rủ nhau đi học, hôm nay được cô dạy làm 2 món chè rất ngon, có khi sau này lên khu tái định cư em phụ mẹ mở quán chè, giải khát…”. Và tham gia lớp học còn có một số chị em nhà đã giải tỏa hiện đang đi ở nhà thuê ở Miếu Bông, Hòa Châu tối nào cũng lặn lội về học. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, giáo viên của Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ cho biết: “Các chị em ham học lắm và cũng hay hỏi mình về các kinh nghiệm trong chế biến và bày bán, phục vụ khách.
 
Chúng tôi cố gắng chọn lọc, hướng dẫn cho chị em chế biến các món ăn theo thị hiếu, nhu cầu của khách hàng và thích hợp với thời tiết từng mùa để sau này lên nơi ở mới, chị em có thể linh động mở quán bán tại nhà, hoặc đi làm cho các quán ăn, nhà hàng lớn…”. Dù là học nghề miễn phí, nhưng các giáo viên cũng luôn nhắc chị em sớm bổ túc, hoàn thiện hồ sơ học nghề để cấp chứng chỉ, sau này dễ xin vào làm ở các nhà hàng, quán ăn. Chị Lê Thị Trường, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Xuân cho hay: “Phát ra 60 bộ hồ sơ rồi mà vẫn có nhiều chị em hỏi xin thêm hồ sơ. Các anh thấy đó, có rất đông chị em theo học. Nhiều chị em còn bày tỏ nguyện vọng được học nghề đan lát, nhưng trung tâm dạy nghề cho biết là thiếu nguyên liệu nên chưa mở lớp được. Khi chị em ổn định nhà cửa ở nơi ở mới rồi, chúng tôi sẽ cố gắng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm.”

Từ mô hình lớp hướng dẫn kỹ thuật chế biến món ăn cho hội viên phụ nữ Hòa Xuân, mở ra một hướng chuyển đổi ngành nghề. Tin rằng, thêm nhiều lớp hướng dẫn, dạy nghề tương tự được mở ra để phụ nữ, nông dân, người lớn tuổi vùng giải tỏa Hòa Xuân có điều kiện chuyển đổi ngành nghề, có thu nhập, ổn định cuộc sống ở nơi ở mới, dần cụ thể hóa quyết sách đúng đắn của thành phố, đưa Hòa Xuân từ một vùng ngập lụt, nghèo thành đô thị mới, hòa nhịp cùng sự phát triển của thành phố.

Bài và ảnh: Hoàng Hiệp
;
.
.
.
.
.