Người bình thường để có vốn hoặc vay vốn làm ăn đã không phải dễ, với những người tù được đặc xá hoặc mãn hạn tù trở về muốn xin vào làm việc ở một cơ quan, doanh nghiệp nào đó hoặc muốn vay vốn làm ăn càng gặp nhiều khó khăn hơn. Ra đời từ năm 2002, Quỹ hoàn lương thành phố Đà Nẵng đã cho hơn 1.100 lượt người sau những tháng ngày lầm lỗi tưởng chừng không lối thoát được vay vốn làm ăn, sinh sống, làm lại cuộc đời.
Năm 2000, chị Lê Thị Kim Xuân (tổ 15, phường Nam Dương) được mãn hạn tù sớm 4 năm do cải tạo tốt. Trở lại đời thường với hai bàn tay trắng, chị làm phụ việc, nhận trông trẻ giúp một số gia đình. Năm 2003, chị mạnh dạn nộp đơn vay vốn Quỹ Hoàn lương của thành phố. Được vay 3 triệu đồng kết hợp thêm vốn vay mượn họ hàng, người thân, chị thuê nhà mới, mua sắm giường chiếu, đồ chơi cho trẻ. Nhà trẻ khang trang hơn nên nhiều bà con đem các cháu tới gửi, chị có tiền trả vốn, tiếp tục vay vốn lần 2 kết hợp với số tiền dành dụm được, chị tiếp tục đầu tư. Nhà trẻ rộng hơn, chị cũng dành thời gian đi học lớp nghiệp vụ chăm sóc trẻ, đến nay nhà trẻ của chị khang trang, đông trẻ…
Anh Phan Lê Tiến (SN 1977, phường Hòa Khánh Nam) sau khi ra tù anh bắt tay làm lại cuộc đời. Tiến miệt mài học hỏi nghề cơ khí, thấy đã vững tay nghề, anh bắt tay ngay vào việc mở xưởng cơ khí tại gia. Từ khoản tiền tích góp được cộng với số tiền 3 triệu đồng vay từ Quỹ hoàn lương, Tiến đầu tư vào mua sắm trang thiết bị, máy móc và mở rộng quy mô xưởng. Đến nay cơ sở nghề cơ khí của Tiến rộng bề thế nằm đối diện với UBND phường Hòa Khánh Nam, tạo việc làm cho nhiều thanh niên khác.
Công an phường Vĩnh Trung cho biết, từ đầu năm đến nay đã đón nhận 10 trường hợp được đặc xá, mãn hạn tù về lại địa phương. Công an phường mời họ lên hướng dẫn làm thủ tục hộ khẩu, chứng minh nhân dân; tham mưu, phối hợp với chính quyền, hội đoàn thể tham gia giúp đỡ; tư vấn việc làm, người chưa có nghề thì cho đi học nghề, người cần vay vốn để làm ăn thì tạo điều kiện cho họ được vay vốn. Hiện trên địa bàn phường có 42 người đã được vay vốn Quỹ hoàn lương. Người vay cao nhất là 4 triệu đồng, thấp nhất 1 triệu đồng, người đi học nghề, người mua sắm phương tiện, dụng cụ mưu sinh...
Chị Trần Thị Thanh Trị vay 3 đợt với số tiền 3 triệu đồng/đợt đã đầu tư buôn bán cà-phê và mở rộng quán. Chị Lê Tường Vy đã vay 2 đợt (3 triệu đồng/đợt) buôn bán rau quả ở chợ Tân Lập. Chị Cù Thị Minh Thu vay 3 đợt (3 triệu đồng/đợt) để làm ăn và vừa mới thành lập một công ty riêng… Nhờ vốn vay từ Quỹ hoàn lương, nhiều mảnh đời một thời lầm lỗi, ra tù với hai bàn tay trắng và bao khó khăn đã dần ổn định đời sống và trả vốn vay đầy đủ.
Theo BQL Quỹ hoàn lương thành phố, quỹ này hoạt động mở và linh hoạt, tất cả công dân Đà Nẵng từng vào tù sẽ được hỗ trợ vay vốn không tính lãi và quy định trả trong 3 năm. Đến nay đã có khoảng 1.100 trường hợp được vay với tổng số vốn hơn 3 tỷ đồng, trong đó thu lại hơn 1,4 tỷ đồng với gần 40% trường hợp trả dứt nợ.
KHÁNH HÀ