Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 5 (EAS) đã diễn ra tại Hà Nội ngày 30-10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các nước ASEAN và các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Ngoài ra, Hội nghị lần này còn có các Ngoại trưởng Nga, Mỹ, đại diện cho Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ, tham dự với tư cách là Khách mời đặc biệt của Chủ tịch và phát biểu ở cuối phiên họp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng sau 5 năm qua, tiến trình Cấp cao Đông Á với ASEAN là trung tâm, đã có được những bước phát triển năng động, góp phần quan trọng thúc đẩy đối thoại về các vấn đề chiến lược và tăng cường hiểu biết, hợp tác giữa các nước tham gia, đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Nhân kỷ niệm 5 năm EAS, các nhà lãnh đạo khẳng định lại mục tiêu, nguyên tắc của EAS và đã nhất trí thông qua Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 5 năm thành lập Cấp cao Đông Á, trong đó khẳng định tiếp tục củng cố và tăng cường đối thoại, đề ra phương hướng và ưu tiên phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Hội nghị nhấn mạnh, tăng cường hợp tác trên 5 lĩnh vực ưu tiên là giáo dục, tài chính, năng lượng, đối phó thiên tai và phòng chống cúm gia cầm sẽ tiếp tục được thúc đẩy theo hướng thực chất và hiệu quả hơn, song song với việc nghiên cứu, mở rộng hợp tác trên một số lĩnh vực mới, nhất là về phục hồi sau khủng hoảng và phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Các nhà lãnh đạo các nước Đối tác tham gia EAS bày tỏ ủng hộ Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về phát triển nguồn nhân lực và các kỹ năng cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững vừa được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 17 và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với ASEAN trong nỗ lực hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững của khu vực.
Các nước EAS cũng nhất trí sẽ tiếp tục tiến hành các nghiên cứu khả thi về việc thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do Đông Á (EAFTA) song song với Khuôn khổ Hợp tác Kinh tế Toàn diện Đông Á (CEPEA) và giao các quan chức nghiên cứu trình lãnh đạo các khuyến nghị cụ thể. Các nhà lãnh đạo EAS cũng cùng nhau trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế…
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí với vai trò ngày càng gia tăng của EAS trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác ở khu vực, trong thời gian tới, EAS cần đẩy mạnh hơn nữa đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị-kinh tế có tầm chiến lược rộng lớn nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á.
Mời Nga và Hoa Kỳ tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á
Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đã trao đổi về vấn đề mở rộng Cấp cao Đông Á và về cấu trúc khu vực đang định hình. Hội nghị ủng hộ quan điểm của ASEAN về xây dựng cấu trúc khu vực trên cơ sở phát huy các diễn đàn hợp tác hiện có ở khu vực và bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, khách mời đặc biệt của Hội nghị Cấp cao Đông Á (Ảnh: Reuters) |
Xét nguyện vọng và khả năng tham gia đóng góp xây dựng của Nga và Mỹ cũng như trên cơ sở tính chất mở và thu nạp của Diễn đàn, hội nghị cấp cao EAS đã quyết định chính thức mời Nga và Hoa Kỳ tham gia vào Cấp cao Đông Á bắt đầu từ năm 2011. Việc tham gia của hai nước này vào EAS sẽ dựa trên cơ sở tôn trọng các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức, ưu tiên của EAS và ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN.
Sau khi quyết định chính thức, hội nghị đã mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, khách mời đặc biệt của Chủ tịch hội nghị tham dự phần hai phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách là Chủ tịch hội nghị, đã chính thức thông báo quyết định của Lãnh đạo Cấp cao Đông Á mời Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 6 bắt đầu từ năm 2011.
Kết thúc hội nghị, Chủ tịch đã thông qua Tuyên bố của Chủ tịch về kết quả và các quyết định quan trọng của Hội nghị Cấp cao Đông Á lần 5.
Theo TTXVN-Chinhphu.vn