Từ ngày 3 đến ngày 10-10, tại thành phố Sakai (Nhật Bản) đã diễn ra “Tuần lễ Sakai - ASEAN 2010” với sự tham gia của Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Đây là sự kiện giao lưu văn hóa, xúc tiến du lịch tăng cường đoàn kết, hữu nghị và hợp tác phát triển giữa Nhật Bản và các nước trong khu vực ASEAN.
Một góc thành phố Sakai-Nhật Bản. |
Thời gian và công việc
Đặt chân xuống Sân bay quốc tế Kansai (Osaka) lúc 7 giờ 20 phút ngày 2-10, đoàn nhà báo Việt Nam ngay lập tức được đón về khách sạn nhận phòng và 15 phút sau đã cùng các đoàn bạn bắt tay ngay vào công việc theo chương trình của Ban tổ chức Tuần lễ Sakai - ASEAN.
Trên chuyến xe của Công ty Du lịch Sakai, anh Hisanori Kato, Trưởng ban Truyền thông Ban tổ chức Tuần lễ Sakai - ASEAN, tranh thủ giới thiệu về thành phố Sakai. Thành phố Sakai nằm ở giữa tỉnh Osaka thuộc khu vực phía Nam thành phố Osaka, đồng thời là vị trí trung tâm của vùng Kinki, bên bờ vịnh Osaka tại cửa sông Yamato. Thành phố có diện tích 149,99 km2, dân số 832.287 người. Xét cả về diện tích lẫn dân số, Sakai là thành phố lớn thứ hai của tỉnh Osaka (sau thành phố Osaka), lớn thứ tư của vùng Kinki, và lớn thứ 15 của Nhật Bản. Sakai là một trong những hải cảng quan trọng của Nhật Bản từ thời trung cổ cho đến nay. Năm 1889, thành phố Sakai được thành lập, năm 2006 thành phố được Chính phủ Nhật Bản công nhận là đô thị quốc gia.
Chương trình của đoàn nhà báo các nước ASEAN ngoài việc theo sát các sự kiện của Tuần lễ Sakai - ASEAN còn tham gia các hoạt động tìm hiểu, khám phá về đời sống sinh hoạt của người dân Nhật Bản và tham quan các điểm du lịch nổi tiếng ở thành phố Sakai và vùng Osaka. Đoàn được tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp của nông dân, mô hình đào tạo bậc giáo dục tiểu học, tham quan khu đền tháp Nara cổ kính 1.300 năm tuổi, khu Công viên quốc gia Musenun, khám phá khu lăng mộ cổ, thưởng thức nghi lễ trà đạo, đi xe đạp cổ và thưởng lãm cảnh vườn Nhật Bản...
Mỗi sáng sớm, quan sát từ trên tầng cao của cao ốc khách sạn Rihga Royal Hotels sẽ thấy phía bắc là nhà ga tàu điện trung tâm thành phố Sakai, các chuyến tàu liên tục khởi hành với mật độ 3 phút/chuyến đến và đi. Đường phố cơ nam là ô tô nhưng không có tình trạng tắc đường, không một tiếng còi xe. Ở những khu vực trạm dừng đỗ xe buýt, từng đoàn người xếp hàng vai mang túi xách, tay cắp dù và vội vã lên xe đến nơi làm việc. Cả thành phố Sakai sạch bong, không một vết bụi. Hình ảnh này cũng lặp lại vào khoảng thời gian 8 - 10 giờ tối.
Suốt các ngày làm việc trong tuần, chúng tôi không hề thấy bóng dáng trẻ em trên đường phố, siêu thị. Tại các địa điểm du lịch, ngoài khách nước ngoài còn sự hiện diện của người Nhật, đó là những người tàn tật hoặc các đoàn học sinh đi tham quan có tổ chức theo chương trình giáo dục. Được biết tháp tuổi lao động ở Nhật Bản đang ngày càng già hóa. Các công việc như quét dọn vệ sinh đường phố, bảo vệ cơ quan, công sở, quản lý và hướng dẫn du lịch đều là những người có độ tuổi trên 50.
Một môi trường sống, lao động công nghiệp đã hình thành nên một nếp làm việc tận lực, tận tâm và đầy trách nhiệm đối với mọi người ở thành phố Sakai. Lưu học sinh Nguyễn Thị Minh Ngọc, sinh viên năm thứ 3 khoa Quản trị kinh doanh Đại học Osaka cho biết, những công chức thành phố làm việc rất tận tâm, tận lực và luôn hoàn thành công việc mỗi ngày, mức thu nhập có người lên đến 1 triệu yen/tháng. Ngọc tâm sự: “Em được phép đi làm việc 19 giờ/tuần với mức thu nhập 9.000 yen/giờ. Thu nhập cao nhưng giá cả hàng hóa ở Sakai vô cùng đắt đỏ”.
Giữa lòng Nhật Bản
Đến Osaka, Sakai là đến giữa lòng Nhật Bản về vị trí địa lý và cả nghĩa rộng đối với Tuần lễ Sakai - ASEAN mà hình ảnh Việt Nam đã và đang dành một vị trí xứng đáng trong lòng người dân Nhật Bản. Năm thứ hai liên tiếp, ông Lê Đức Lưu - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka - thay mặt các nước ASEAN tham dự phát biểu chúc mừng Tuần lễ ASEAN của thành phố Sakai và qua sự kiện này sẽ thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị không chỉ giữa nhân dân thành phố Sakai nói riêng mà giữa Nhật Bản nói chung với người dân các nước ASEAN. Nhóm Tre Việt (Đoàn nghệ thuật nhạc cụ dân tộc và Đoàn múa nghệ thuật Hà Nội) tham gia biểu diễn nghệ thuật nhạc cụ dân tộc; Vietnam Airlines tham dự Diễn đàn hợp tác phát triển du lịch và giới thiệu ẩm thực Việt; đoàn sinh viên Đại học Đà Nẵng tham gia các hoạt động “Đại sứ nhân dân”. Các chương trình trong Tuần lễ Sakai - ASEAN mà các đoàn Việt Nam tham gia đã để lại những ấn tượng sâu sắc về văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Vợ chồng anh Yamaoka Noboru sống cách xa trung tâm thành phố Sakai 30km cũng đã đến các buổi giao lưu văn hóa tại Tuần lễ Sakai - ASEAN. Chị Yamaoka Yumico - vợ anh Noburu - cho biết chị đã tìm hiểu rất nhiều về các món ăn truyền thống của Việt Nam và rất mong muốn được đi du lịch đến Việt Nam. Dù cả hai vợ chồng đều có công việc ổn định với nghề thiết kế thời trang nhưng chị Yumico vẫn chờ đợi có được đường bay trực tiếp từ Kansai (Osaka) đi Đà Nẵng, bởi gia đình chị rất yêu mến thành phố Đà Nẵng. Chị nói rất tự nhiên: “Nếu phải đến Hà Nội, hoặc thành phố Hồ Chí Minh thì mình sợ không đủ tiền”.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đà Nẵng tại Tòa thị chính thành phố Sakai, Ngài Thị trưởng Osami Takeyama nói sự có mặt của các nhà báo đến từ Đà Nẵng - Việt Nam đã nói lên sự quan tâm sâu sắc và toàn diện của thành phố Sakai - Đà Nẵng. Ngài Thị trưởng Osami Takeyama cho biết sau hơn 1 năm hai địa phương ký kết biên bản hợp tác, nhiều chương trình giao lưu hợp tác đã được thực hiện, nổi bật là các hoạt động giao lưu văn hóa. Thành phố Sakai cũng đã đẩy nhanh việc hợp tác xây dựng Trường Đại học quốc tế tại Đà Nẵng và cũng như thành phố Đà Nẵng rất mong muốn hình thành đường bay thẳng từ Kansai đến Đà Nẵng để tăng cường hợp tác phát triển kinh tế.
Những ngày ở Sakai, chúng tôi luôn nhận thấy sự trân trọng về mối quan hệ hợp tác hữu nghị của chính quyền thành phố Sakai đối với thành phố Đà Nẵng. Ngài Thị trưởng Osami Takeyama nói: “Sakai và Đà Nẵng, Hội An -Việt Nam đã có quan hệ truyền thống về văn hóa, giao thương thì bây giờ phải nhanh chóng nâng lên tầm cao mới, hiệu quả và thiết thực”.
Ghi chép của TRIỆU TÙNG