Sáng ngày 14-10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức góp ý dự thảo Luật Tố cáo. Các ý kiến góp ý đồng tình sự cần thiết ban hành Luật Tố cáo riêng khỏi Luật Khiếu nại, tố cáo do thực trạng hiện nay các văn bản pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo còn nhiều hạn chế, bất cập chưa bao quát hết những phát sinh trong thực tiễn. Nhiều ý kiến thống nhất rằng chủ thể tố cáo là công dân.
Không nên mở rộng chủ thể tố cáo là tổ chức vì sẽ rất khó quy mức độ trách nhiệm cho từng cá nhân trong tập thể khi tố cáo sai. Tuy nhiên một số ý kiến khác vẫn ủng hộ nên mở rộng chủ thể tố cáo là tổ chức. Không nên thụ lý tố cáo nặc danh nhưng nếu thông tin tố cáo nặc danh có bằng chứng, có cơ sở thì cần chuyển thông tin này cho cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, thanh tra. Cần phải xem xét loại thông tin tố cáo trong đó còn có cả khiếu nại, kiến nghị. Dự thảo chưa quy định người tố cáo yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ mình mà không được bảo vệ thì việc xử lý cơ quan này như thế nào.
Theo dự thảo, cấp cơ sở không giải quyết tố cáo để cho hết thời hiệu, người tố cáo lại gửi đơn lên cơ quan cấp trên trực tiếp của cấp này thì lại chuyển về cấp cơ sở ban đầu. Đây là quy trình bất hợp lý cần phải sửa đổi theo hướng cấp cơ sở không thụ lý thì cấp trên trực tiếp phải thụ lý thông tin tố cáo. Dự thảo cần bổ sung quy định trách nhiệm của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện quyền và nghĩa vụ về tố cáo.
* Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Các ý kiến đề nghị sửa luật cần quy định khi đã có thông báo yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bồi thường mà không chịu bồi thường thì phải chịu lãi suất theo quy định của ngân hàng đối với giá trị được yêu cầu bồi thường.
Luật cần quy định rõ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được khách hàng ủy quyền để đòi bồi thường thiệt hại do bên thứ ba gây ra khi đã có quyết định giải quyết của tòa án. Luật chưa quy định người nước ngoài đến Việt Nam mua bảo hiểm khi xảy ra tranh chấp thì ai giải quyết. Đề nghị việc bảo hiểm tàu thuyền phải gắn điều kiện thuyền trưởng phải có bằng cấp hoặc số năm kinh nghiệm với giá trị mua bảo hiểm để khi bồi thường chỉ theo mức tương ứng của trình độ, kinh nghiệm của thuyền trưởng.
Luật phải quy định rõ tách biệt bảo hiểm thân tàu và máy tàu. Có ý kiến đề nghị chưa nên đưa bảo hiểm y tế vào đối tượng điều chỉnh của Luật này vì BHYT là một chính sách của Nhà nước nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Hơn nữa hiện nay Quỹ BHYT đang âm và nợ tiền của Chính phủ cho mượn để bù đắp cho khoản chi trả cho bệnh nhân đã gây âm quỹ.
S.T