Chiều ngày 25-10-2010, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung (SĐBS) một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân và Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Bình Dương.
Thảo luận dự thảo Luật SĐBS một số điều của Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND, các vị đại biểu Quốc hội có rất nhiều ý kiến phát biểu sôi nổi và thẳng thắn.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhất trí cần SĐBS Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, tạo sự thống nhất giữa hai văn bản luật để thuận lợi cho việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong cùng một ngày. Tuy nhiên, ĐB đề nghị nên có quy định riêng đối với những địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, đặc biệt là việc thành lập Ban bầu cử ở những địa phương này. Đảng đã có chủ trương là nếu bỏ HĐND cấp dưới thì tăng số lượng đại biểu HĐND cấp trên, nhưng dự án luật không quy định vấn đề này là chưa hợp lý. Do đó, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị nên xem xét theo hướng tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh ở những nơi làm thí điểm.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cần quy định tính đặc thù ở các địa phương đang thực hiện thí điểm theo hướng nâng số lượng đại biểu HĐND lên. Theo ĐB thì các vấn đề mới chưa được đề cập đến trong Luật này như trường hợp người Việt Nam có 2 quốc tịch thì xử lý thế nào vì có liên quan đến quyền bầu cử của cử tri. ĐB cho rằng, Điều 26 dự thảo luật quy định mọi người có quyền khiếu nại là không chính xác, vì nói mọi người thì trẻ em cũng có quyền khiếu nại, do đó, ĐB đề nghị nên thay từ “mọi người” bằng từ “cử tri” cho chính xác. Về vận động bầu cử, ĐB cho rằng trong thực tế còn có hạn chế nhất định. Quy định không tranh cử nhưng không thể không vận động bầu cử. Nhưng cần tránh việc vận động chiếu lệ, hoặc thời gian tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử hạn hẹp, việc cử tri đến dự vận động bầu cử quá ít,… ĐB đề nghị nên luật hóa những vấn đề này.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Bùi Thị Bình (Hòa Bình) đề nghị không nên sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu HĐND theo hướng giao cho Ủy ban Nhân dân chủ động tổ chức bầu cử như quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Bầu cử đại biểu HĐND, mà nên giữ nguyên như luật cũ, giao cho Thường trực HĐND chủ động tổ chức bầu cử vì HĐND có điều kiện làm tốt công tác bầu cử hơn, bảo đảm sự tập trung và thuận lợi hơn cho các địa phương. Do đó, ĐB đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 15 như sau: “1- Chậm nhất là chín mươi lăm ngày trước ngày bầu cử, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi thống nhất với Ủy ban Nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Uỷ ban bầu cử...”.
ĐB Đinh Thị Biểu (Quảng Ngãi) cho rằng, thực tế có rất nhiều cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ. Do đó, ĐB đề nghị quy định ngay trong luật về thành lập Tổ viết giúp phiếu bầu cho cử tri ở một số điểm bầu cử.
Giải đáp thắc mắc của các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề thí điểm thực hiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, ĐB Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, Trung ương đã cho ý kiến là việc thực hiện thí điểm ở 10 tỉnh là cần thiết nên tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26 cho đến khi Quốc hội có Nghị quyết mới. Vấn đề tăng số lượng đại biểu ở các tỉnh đang thực hiện thí điểm sẽ được tính đến khi tiến hành bầu cử đại biểu HĐND vào năm 2011.
ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị không nên quy định cụ thể tỷ lệ đại biểu nữ trong luật một cách cứng nhắc. Theo ĐB, việc nói quy định tỷ lệ đại biểu nữ để bảo đảm quyền bình đẳng giới là không phù hợp, mà vấn đề quan trọng là phụ thuộc vào năng lực của chị em phụ nữ, đồng ý là có cơ cấu nhưng phải trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu. Nếu trình độ chị em ngang bằng hoặc cao hơn nam giới thì tỷ lệ có thể là từ 30% đến 50%. Không phải cứ đưa tỷ lệ nữ cao lên là thực hiện bình đẳng giới, mà bình đẳng giới được hiểu là chất lượng đại biểu nữ phải ngang bằng đại biểu nam. Do đó, chỉ cần định hướng trong luật là chú trọng đại biểu nữ. Ngoài ra, ĐB đề nghị đối với các tỉnh đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì cần tăng số lượng đại biểu HĐND.
ĐB Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) bày tỏ nhất trí với ĐB Mã Điền Cư. ĐB đề nghị không nên quy định tỷ lệ đại biểu nữ trong Luật mà nên giao vấn đề này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) cho rằng, vấn đề ở chỗ là làm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì phải có biện pháp bảo đảm. Nhưng hiện nay thì các biện pháp bảo đảm để thực hiện thí điểm không có, nên kết quả mang lại rõ ràng là không đánh giá được thực chất vấn đề thí điểm.
ĐB Bùi Văn Duôi (Hòa Bình) dẫn chứng một thực tế vừa qua là có tỉnh bầu không đủ số lượng đại biểu Quốc hội, mặc dù có ứng cử viên đạt trên 50% tỷ lệ phiếu bầu nhưng vì tổ chức theo đơn vị bầu cử nên lấy kết quả từ cao xuống thấp, trong khi đó ở đơn vị bầu cử khác cũng trong tỉnh đó thì thiếu đại biểu trúng cử do ứng cử viên không đạt 50% phiếu bầu. Để khắc phục tình trạng này, ĐB đề nghị cần sửa Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội theo hướng, không nên quy định lấy kết quả bầu cử theo đơn vị bầu cử mà nên quy định lấy kết quả bầu cử theo đơn vị từng tỉnh, để nếu ứng cử viên có số phiếu bầu đạt tỷ lệ quá bán nhưng không trúng cử ở đơn vị bầu cử này thì vẫn trúng cử ở đơn vị bầu cử khác trong cùng một tỉnh, nếu tỉnh còn chỉ tiêu.
Đối với dự thảo Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, các vị ĐB có khá nhiều quan điểm khác nhau. ĐB Chu Văn Đạt (Nam Định) đề nghị Quốc hội chỉ nên ra Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong năm 2011, rồi sau đó xem xét sửa đổi lại Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp thì phù hợp hơn, không nên quy định miễn, giảm thuế trong 10 năm. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) lại đề nghị tiếp tục miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 10 năm đến (2011-2020) nhưng cần xác định đây là biện pháp tình thế. Để giải quyết triệt để vấn đề này, ĐB đề nghị cần sửa luật, hoặc có cơ chế để làm sao không miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nhưng vẫn tăng thu nhập cho nông dân.
PHẠM HỮU HOA