Chiều ngày 21-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Bình Dương.
Chủ trì thảo luận tại tổ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề cơ bản của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm như phạm vi sửa đổi, bổ sung; vấn đề cung cấp bảo hiểm qua biên giới; vấn đề tái bảo hiểm bắt buộc; quy định về hình thức doanh nghiệp; quy định về đấu thầu, hợp tác, cạnh tranh; điều kiện cấp phép; việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; vấn đề bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm như thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm, việc trích lập Quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm…
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhất trí về sự cần thiết phải tiến hành ngay việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhằm giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực này hiện nay như hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, khép kín hoạt động bảo hiểm theo ngành, tạo sân chơi không bình đẳng, nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo hiểm chưa cao nên quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm chưa được bảo vệ tối ưu.
Đồng thời, sửa đổi luật để đưa công tác quản lý Nhà nước về bảo hiểm tuân thủ triệt để các cam kết quốc tế và từng bước tiến tới các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế trong bối cảnh hiện nay nước ta đã ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA) và hiện là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Bộ Tài chính đã là thành viên của Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS); bảo đảm sự phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến các vấn đề quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm như Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Đầu tư năm 2005,...
Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, muốn xây dựng được một thị trường bảo hiểm mạnh ở nước ta thì việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này cần phải đáp ứng được 3 yêu cầu: thị trường bảo hiểm phải đáp ứng được các nhu cầu xã hội từ thấp đến cao; bảo đảm tính công khai, minh bạch; bảo đảm sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm và bên được hưởng dịch vụ bảo hiểm.
Các ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), ĐB Võ Tuấn Nhân (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) đều đề nghị cần phải chỉnh sửa lại quy định về việc đấu thầu, hợp tác, cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 10) theo hướng mang tính chất bắt buộc phải thực hiện, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải thực hiện đúng quy định pháp luật về đấu thầu, hợp tác và cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), loại hình kinh doanh bảo hiểm “Cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo quy định của Chính phủ” quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 105 là hoàn toàn mới, nên cần được xem xét, quy định thận trọng và chặt chẽ. ĐB Kim Thúy cho rằng, theo giải thích tại Tờ trình của Chính phủ, cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới là việc các công ty bảo hiểm, môi giới bảo hiểm ở nước ngoài không cần thành lập pháp nhân tại Việt Nam vẫn được phép mời chào, bán bảo hiểm, thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi có tranh chấp xảy ra, do doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không có trụ sở tại Việt Nam thì xử lý thế nào, hoặc trường hợp người nước ngoài đến Việt Nam mua bảo hiểm thì kiện ở đâu, ai bảo vệ cần làm rõ. ĐB đề nghị quy định ngay trong luật cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết nếu xảy ra tranh chấp.
ĐB Nguyễn Hữu Tín (Bình Dương) đề nghị không đưa hợp tác xã kinh doanh bảo hiểm vào loại hình doanh nghiệp bảo hiểm.
PHẠM HỮU HOA