.

Khẩn trương ứng phó với mưa lũ tại miền Trung

.

Ngày 5-10, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký Công điện khẩn số 1797/CĐ-TTg gửi các địa phương và cơ quan chức năng về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. 

Mô tả ảnh.

Nước lũ ngập đường Nguyễn Chí Thanh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế

(Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Qua Công điện, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân những gia đình có người bị chết, mất tích, người bị thương.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống lũ hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế tập trung chỉ đạo cứu trợ những người dân chưa sơ tán kịp tại các khu vực bị ngập sâu, các tàu thuyền gặp nạn trên biển; cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân, đảm bảo không để người dân nào bị đói, khát.

Bên cạnh đó, các địa phương cần cử người canh gác, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các bến đò ngang, các ngầm giao thông bị ngập sâu; tiếp tục di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm do lũ quét, sạt lở đất và vùng thường xuyên bị ngập sâu đến nơi an toàn.

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện việc cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn theo đề nghị của địa phương.

Các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện vận hành an toàn các hồ chứa nước, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, duy trì thông tin liên lạc, có phương án đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, đảm bảo đủ nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ, cơ số thuốc chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi để thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ.

Chiều cùng ngày, thành phố Hà Nội đã phát động đợt quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ. 

Tạm dừng hàng chục chuyến tàu Thống Nhất

Trước tình hình mưa lớn kéo dài gây ngập và sạt lở nhiều điểm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, tính đến chiều 5-10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tạm dừng hàng chục chuyến tàu Thống Nhất. Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Nguyễn Văn Doanh cho biết, do ngập lụt nên hiện tại tàu từ phía Nam ra Hà Nội đang phải dừng tại ga Đồng Hới và từ khu vực phía Bắc vào đang dừng tại ga Vinh.

Tại ga Đồng Hới hiện tại còn khoảng hơn 1.000 hành khách bị kẹt lại, trong đó có hơn 100 người nước ngoài. Hiện tại, ngành đường sắt đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình sử dụng ôtô để vận chuyển hành khách ra ga Vinh tiếp tục hành trình về Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại các tuyến đường bộ huyết mạch đều bị ngập nên vẫn phải chờ.

Đặc biệt, đối với hành khách nước ngoài (theo quy định) ngành đường sắt đã đưa về các khách sạn, nhà nghỉ tại Đồng Hới. Những hành khách nội địa cũng được các công ty lo ăn tại khu vực xung quanh ga Đồng Hới. Về phương án khắc phục, hiện tại các ngành đường sắt đã chuẩn bị đầy đủ các vật tư máy móc và tập kết chờ nước rút, dự kiến sau khi nước rút sẽ mất từ 24 - 36 tiếng để khắc phục hậu quả.

Áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm về phía Bắc

Hồi 4 giờ ngày 6-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,3 đến 19,3 độ Vĩ Bắc; 108,0 đến 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Quảng Ninh – Hà Tĩnh khoảng 260 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít di chuyển hoặc di chuyển chậm về phía Bắc. Đến 4 giờ ngày 7-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,8 đến 19,8 độ Vĩ Bắc; 107,8 đến 108,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi Quảng Trị - Đà Nẵng và quần đảo Hoàng Sa có mưa dông mạnh.

THEO TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRUNG ƯƠNG

Theo TTXVN

;
.
.
.
.
.