.

Khổ vì chợ cóc

.

Rất dễ nhận thấy trên nhiều tuyến đường thành phố hiện nay cảnh “buôn thúng bán bưng” khắp vỉa hè, kể cả lòng đường. Những người buôn bán nhỏ lẻ này đều biết rõ ràng mình đang vi phạm.

Loạn chợ cóc

Mô tả ảnh.
Chợ cóc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai gây mùi hôi tanh cho khu vực.

Rất nhiều tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hoàng, Ông Ích Khiêm, Võ Văn Tần… có chợ cóc hoạt động. Chỉ một chiếc xe đẩy bán hoa quả, một ít rau xanh, tôm cá được sắp xếp trên mấy chiếc rổ cũ kỹ là có thể đáp ứng được nhu cầu mua thực phẩm của nhiều người qua đường. Tuy nhiên, hoạt động này lại gây ra nhiều hậu quả như mất mỹ quan, trật tự giao thông, mất vệ sinh…

Có mặt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn đối diện Trường THPT Trần Phú từ sáng sớm, chợ cóc này có nhiều người bán hải sản tươi sống. Mùi hôi tanh và nước thải chảy theo mép đường khiến không ít người dân sống khu vực xung quanh phiền lòng. Cô Nguyễn Thị Năm, một người dân ở đây cho biết, mấy người bán cá họp chợ từ

5 giờ sáng đến gần 7 giờ bị nhân viên phường Thạch Thang đến đuổi đi, trưa họ lại tụ tập về. Mấy kiệt quanh khu vực này trở thành chợ suốt buổi sáng. Người dân rất bức xúc nhưng đành chịu.
Hoạt động chợ cóc còn làm cho nhiều hộ gia đình kinh doanh phải dở khóc dở cười. Anh Trần Nam, một chủ kinh doanh trên đường Nguyễn Hoàng luôn lắc đầu mỗi khi kể về chợ cóc ngay trước nhà mình. “Trên vỉa hè trước nhà thì mình còn nói được, chứ đằng này họ ở dưới lòng đường mình đâu dám, mà như vậy chẳng khác nào bịt luôn đường của khách hàng vào quán”, anh cho biết.

Trên thực tế, việc biến vỉa hè, lòng đường thành chợ cóc rất khó xóa bỏ. Khi lực lượng chức năng xuất hiện, mỗi người lại giải tán theo một hướng. Và nếu bắt gặp một người ngồi bán trong con hẻm nhỏ, lực lượng chức năng cũng không thể làm gì, vì đó không phải là chợ! Rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Có mặt tại chợ Hàn lúc tan tầm sẽ thấy con đường Nguyễn Thái Học đã bị tắc nghẽn bởi tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán. Còn ở chợ Hòa Khánh, do “quá tải” nên các hộ kinh doanh tự phát hằng ngày vẫn ngang nhiên bày bán ra lề đường xung quanh chợ gây ách tắc giao thông, sau khi phiên chợ kết thúc để lại một lượng rác khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tương tự, chợ “cóc” nằm tại đường số 4 thuộc KCN Hòa Khánh, bắt đầu từ 15 giờ hằng ngày có tới hàng trăm hộ buôn bán rau, củ, quả, thịt, cá, tôm…

Sau khi chợ kết thúc cũng là lúc rác thải tràn ra đầy đường. Khi được hỏi việc lấn chiếm vỉa hè, lề đường là vi phạm pháp luật, là không bảo đảm an toàn giao thông, mất vệ sinh môi trường… thì hầu hết những người buôn bán ở đây đều trả lời thản nhiên: “Tất cả vì cuộc sống mưu sinh”. Và một điều đáng nói là, lượng rác thải thải ra từ chợ “cóc” đã không được thu gom theo đúng quy trình, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một cán bộ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng nói rằng chợ cóc không có người quản lý nên việc thu gom rác dường như các  hộ kinh doanh buôn bán ở đây tự thu dọn hoặc thuê người quét dọn. Và rác thải sau khi thu gom tại chợ cóc được bỏ vào thùng rác hay để một góc nào đó tùy ý.

Theo khảo sát của Sở Công thương, hiện trong nội thị còn tồn tại 39 chợ “cóc”, với gần 900 hộ kinh doanh. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại quận Hải Châu với 19 chợ “cóc”. Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho rằng: Sự xuất hiện và tồn tại của chợ “cóc” từ quy luật cung cầu và thói quen mua sắm của người dân theo kiểu “tiện đâu mua đấy”. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển một số khu dân cư chưa gắn kết với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại như chợ phục vụ dân sinh, cửa hàng tự chọn, siêu thị mini…

Khó dẹp

Dự kiến từ nay đến hết năm 2010, công tác giải tỏa các chợ cóc sẽ được tiến hành theo 4 bước. Bước 1: Sở Công thương sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát và thống kê lại số lượng chợ cóc hiện đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Bước 2: Xây dựng dự thảo kế hoạch và tổ chức họp với các quận, huyện bàn biện pháp tổ chức triển khai thực hiện việc giải tỏa chợ cóc. Bước 3: Phổ biến chủ trương, vận động các hộ kinh doanh tự giác chấp hành việc không kinh doanh tại chợ cóc. Bước 4: Cuối năm 2010, mỗi quận, huyện chọn thí điểm giải tỏa triệt để từ 2-3 chợ cóc và sẽ tiếp tục giải tỏa các chợ cóc còn lại trong nội thị trong năm 2011.

“Không chỉ chợ cóc mà các chợ chính cũng đang vi phạm về trật tự vỉa hè, lòng đường. Công tác quản lý vì vậy càng thêm phần khó khăn”, ông Lê Văn Tiến, Đội phó Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Hải Châu cho biết như vậy khi đề cập đến công tác quản lý, giám sát vấn đề này. Quận Hải Châu là trung tâm mua sắm, tập trung nhiều nhất các loại hình dịch vụ nên chuyện chiếm dụng lòng đường, vỉa hè cũng gây nhức nhối nhất cho lực lượng quản lý. Hiện nay quận có 5 chợ đăng ký hoạt động, ngoài ra có vô số địa điểm được xác định là chợ cóc.

Có một thực tế đó là thực trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán lại diễn ra vào giờ tan tầm và ngoài giờ hành chính, lúc này lực lượng chức năng đã hết giờ làm việc. Ông Tiến nói rằng, thói quen mua thực phẩm ngoài đường của người dân vô tình làm cho nỗ lực lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường giống như “đem muối bỏ bể”, vì chỉ cần khi lực lượng chức năng đi khỏi thì mọi chuyện lại trở về như cũ. Để lập lại trật tự trên nhiều tuyến đường cũng như hạn chế tình trạng hoạt động của các chợ cóc, đội đã phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát giao thông cũng như UBND các phường thường xuyên tuần tra, ngăn chặn và tuyên truyền với người dân.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan chức năng, nên việc phối hợp rất khó. Ngoài ra, đội chỉ có thẩm quyền tịch thu và tạm giữ phương tiện làm ăn trong vòng 24 giờ, sau đó nếu cơ quan có thẩm quyền không phạt thì phải trả lại cho người vi phạm. “Chủ yếu nhắc nhở chứ ít khi xử phạt vì vi phạm nhỏ lẻ rất nhiều, mà nếu không xử phạt thì tính răn đe lại không cao”, ông Tiến phân trần.

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đã chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành cùng các địa phương để tìm biện pháp dẹp chợ cóc trong thời gian tới. Đồng chí Phùng Tấn Viết cho biết UBND thành phố sẽ ban hành Chỉ thị cấm hình thành chợ cóc để làm cơ sở pháp lý cho các ngành, địa phương triển khai thực hiện. 

Bài và ảnh: Phan Chung-Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.