.

Kinh nghiệm từ một thời sôi nổi

.

Hầu hết các cán bộ Hội làm công tác phong trào thời kỳ 1994-2005 đều đã chuyển sang làm công tác khác, nhưng ngọn lửa tâm huyết với công tác thanh niên vẫn vẹn nguyên trong họ, và vẫn vẹn nguyên trong lòng các bạn hội viên từng tham gia các hoạt động hình ảnh người cán bộ phong trào tận tụy, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm... Nhân kỷ niệm 54 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15-10-1956 – 15-10-2010), nhắc lại những kỷ niệm một thời sôi nổi của họ, như là ôn lại những mô hình, hoạt động hay và kinh nghiệm công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên.

Sâu sát, hiểu thanh niên muốn gì, cần gì…

Mô tả ảnh.
Anh Trương Ngọc Dũng vẫn sôi nổi như ngày nào...

Với anh Phạm Tiến Dũng, hiện đang công tác tại Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, từng là Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN thành phố, Bí thư Quận đoàn Sơn Trà, từ những ngày đầu khi chia tách Quảng Nam-Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Sơn Trà những ngày đầu chia tách ấy, phong trào thanh-thiếu nhi còn nhiều hạn chế, đời sống nhân dân còn gặp khó khăn, nhiều học sinh thiếu quần áo, sách vở đến trường, vệ sinh môi trường bức xúc.

Đầu tiên, anh tiến hành thành lập CLB Kỹ năng Công tác xã hội với hơn 100 thanh niên để làm nòng cốt gây dựng phong trào, và hoạt động đầu tiên là làm 10 thùng quyên góp và phân công 10 thành viên CLB phụ trách 1 thùng, hằng ngày đi vận động quyên góp tiền tại các chợ, các đơn vị trên địa bàn thành phố. Sau một tuần, tổng số tiền thu được là 2,5 triệu đồng dùng để mua gạo tặng hộ nghèo, sách vở, bút mực cho các lớp học tình thương ở các phường Nại Hiên Đông, Mân Thái, Thọ Quang và An Hải Bắc. Hoạt động ý nghĩa này đã tác động vào tư tưởng, tình cảm của thanh niên thời kỳ đó, thu hút sự tham gia của đoàn viên, thanh niên vào các phong trào Đoàn - Hội.

Tiếp theo đó, anh tiến hành thành lập Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên, Ủy ban Hội LHTN và Hội đồng Đội quận Sơn Trà, sau đó củng cố tổ chức Đoàn – Hội – Đội các phường. Bước đầu, tổ chức được hoạt động cấp quận, duy trì sinh hoạt tốt tại các phường và đặc biệt các chi đoàn khu dân cư được củng cố, tổ chức được nhiều hoạt động như: Chi đoàn An Hòa (phường An Hải Bắc), Thành Vinh (Thọ Quang), An Cư (An Hải Đông)… Nhận thấy trên địa bàn phường còn nhiều điểm nóng vệ sinh môi trường, Quận đoàn Sơn Trà đã phát động phong trào “Ngày chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp”, cứ chủ nhật hằng tuần đều khắp các phường đều ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải…

Ngoài CLB Kỹ năng Công tác xã hội, nhiều CLB, đội, nhóm khác cũng được thành lập ở cấp quận cũng như cấp phường, thu hút sự tham gia đông đảo của thanh niên và quan trọng là nhiều cán bộ Đoàn-Hội được bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng công tác. Ngoài phong trào “Ngày chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp” được lan rộng ra toàn thành phố, từ phong trào vận động xây dựng 1 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) bằng nguồn tiết kiệm của thanh-thiếu nhi quận Sơn Trà, sau này Thành Đoàn Đà Nẵng đã xây dựng, chỉ đạo thực hiện chương trình vận động 65 căn nhà Đại đoàn kết tặng 65 hộ nghèo trên địa bàn thành phố.

Được điều động về làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN thành phố, anh Phạm Tiến Dũng và nhóm cán bộ Ban Phong trào đã quyết tâm và đem Dự án đào tạo nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn theo định hướng thị trường (LABS), và đến nay đã tổ chức được 16 khóa đào tạo với trên 1.500 học viên được cấp chứng chỉ nghề, trên 80% học viên được các đơn vị nhận vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Anh cũng dồn nhiều tâm sức vào việc củng cố, xây dựng các CLB, đội, nhóm và bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng công tác thanh niên và cả nhiều ý tưởng, kế hoạch ấp ủ chuẩn bị thực hiện hoặc đang thực hiện dang dở thì... Anh Phạm Tiến Dũng nhắn nhủ: “Thủ lĩnh thanh niên phải giỏi kỹ năng, cầm được còi, cờ, micro và đi sâu vào đời sống thanh niên để hiểu, nắm bắt thanh niên muốn gì, cần gì để tổ chức hoạt động phù hợp, đạt mục đích tổ chức Đoàn – Hội – Đội phải là trường học chủ nghĩa cộng sản để giáo dục, rèn luyện thanh thiếu nhi”.

Tổ chức hoạt động xã hội để giáo dục, rèn luyện thanh niên

Tuy đã chuyển công tác, sang làm giảng viên Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, nhưng anh Trương Ngọc Dũng - cán bộ Ban Phong trào Hội LHTN thành phố (từ năm 1994-2002) vẫn hừng hực tâm huyết với công tác thanh niên. Hoạt động đáng nhớ nhất của anh là vào năm 1995, anh cùng 19 cán bộ, hội viên được tuyển chọn kỹ càng tham gia hành trình bằng xe đạp “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” chào mừng kỷ niệm 20 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đoàn xuất phát từ Đà Nẵng ngày 16-4-1995, đi qua mỗi tỉnh đều ghé tham gia giao lưu, học hỏi kỹ năng công tác thanh niên, những mô hình vận động, tập hợp thanh niên, những hoạt động hay và tặng áo lụa cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Học tập mô hình ở Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh, anh cùng với anh Đoàn Văn Hòa (hiện đang công tác tại Hội Chữ thập đỏ thành phố) đề xuất và tổ chức cho các CLB, đội, nhóm thực hiện chương trình “Ánh sáng văn hóa hè” dành cho học sinh và người dân 2 xã Hòa Bắc, Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Đặc biệt, chương trình “Tư vấn mùa thi” - giúp đỡ, giới thiệu điểm trọ, đường đi cho học sinh thi vào các trường cao đẳng, đại học, đã tạo ra nhiều hiệu ứng xã hội, dấy lên phong trào “Tiếp sức mùa thi” rộng khắp như hiện nay.

Anh Trương Ngọc Dũng cũng thuộc lớp cán bộ Đoàn – Hội đầu tiên hăng hái tham gia và vận động đoàn viên thanh niên hiến máu nhân đạo, tính đến nay anh đã 23 lần hiến máu. Với kinh nghiệm từng trải, anh Trương Ngọc Dũng cho rằng: “Trong điều kiện hiện nay, dù thanh niên có rất nhiều điều kiện nhưng thực tế cũng cho thấy họ không có môi trường để hoạt động. Hoạt động xã hội là dễ khơi dậy cảm xúc, tình cảm, đoàn kết, tập hợp giáo dục, rèn luyện thanh niên và là cơ hội để họ đóng góp với cộng đồng, mở rộng không gian học tập, rèn luyện, giao lưu, trưởng thành”.

Bài và ảnh:  HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.