.

Miền Trung không “run lẩy bẩy”!

.

(ĐNĐT) - Đưa tin về siêu bão Megi, chiều 18-10, một tờ báo mạng trong nước đã giật tít nghe rất… giật gân: “Miền Trung “run lẩy bẩy” đón siêu bão”!

Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ xác nhận, theo đánh giá của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia Việt Nam cùng nhiều cơ quan khí tượng thủy văn của các nước Mỹ, Trung Quốc, Philippines… thì Megi thực sự là một cơn siêu bão, có cường độ lớn nhất từ trước đến nay xuất hiện trên biển Đông, với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão lên tới cấp 16-17.

Dải đất nghèo khó này đã, đang và sẽ tiếp tục kiên cường vượt qua thử thách, như đã từng kiêm cường suốt bao đời nay để làm chiếc đòn gánh vững vàng gánh hai đầu đất nước trước muôn trùng sóng gió. Trong ảnh: Cứu trợ người dân huyện Hương Khê, Hà Tĩnh đang gồng mình chống chọi với lũ dữ (Ảnh: baohatinh.vn)

Hiện các tỉnh Bắc Trung Bộ đang phải oằn mình chống chọi với hai đợt lũ dữ liên tiếp kể từ đầu tháng 10, đặc biệt cơn lũ từ hôm 14-10 đến nay được xem là lớn nhất trong vòng 100 năm qua, vượt qua cả lũ lịch sử năm 2007. Trong bối cảnh đó, nếu siêu bão Megi tiếp tục đổ ập vào thì sẽ không khó để hình dung ra một thảm hoạ thiên tai đối với miền Trung. Sẽ có thêm bao nhiêu sinh mạng và tài sản nữa sẽ bị hủy hoại.

Nhưng nói người miền Trung đang “run lẩy bẩy” trước cơn siêu bão là hoàn toàn sai lầm, thậm chí lệch lạc, vô cảm. Sống trên vùng đất đầu sóng ngọn gió, từ bao đời nay luôn phải đối mặt với thiên tai địch hoạ, đối với người miền Trung, việc lũ chồng lũ, bão nối bão, lũ chưa xuống bão đã ập tới, bão chưa tan lũ đã tràn về… là điều không phải quá xa lạ.

Chỉ tính sơ bộ trong 10 năm gần đây, miền Trung đã không ít lần đối mặt với lũ lụt lịch sử, siêu bão. Năm 1999, cả nước bàng hoàng khi cơn lũ lụt chưa từng thấy xé nát cửa biển Hòa Duân, cắt đứt đèo Hải Vân, cô lập gần như hoàn toàn TP Huế cùng nhiều huyện khác của tỉnh Thừa thiên - Huế, Quảng Trị.

Tháng 5-2006, siêu bão Chanchu tuy không đổ bộ trực tiếp vào đất liền nhưng đã nhấn chìm hàng chục tàu thuyền, hàng trăm ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định trên đường chạy tránh bão, để lại những đám giỗ tập thể mỗi năm ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng), huyện Thăng Bình (Quảng Nam)…

Chỉ 4 tháng sau, đến lượt siêu bão Xangsane đánh trực diện vào Đà Nẵng, gây thiệt hại nặng nề chưa từng có cho TP lớn nhất miền Trung. Hơn 4 năm trôi qua, nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp bị đánh sập vẫn chưa thể gượng dậy nổi. Đến cuối năm 2006 vắt qua năm 2007, bão lũ nghiêm trọng lại tiếp tục giáng những đòn chí tử vào các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Ai từng nghe tiếng khóc kêu chồng, gọi con của những người vợ, người mẹ phường Xuân Hà, Thanh Khê… lẫn vào tiếng sóng biển ì ầm giữa màn đêm đen kịt; ai từng chứng kiến cảnh tàu cứu hộ đón ngư dân trở về trong… những túi nilon xếp thành hàng dưới căn nhà bạt dựng trên cầu cảng sông Hàn sau bão Chanchu; ai từng thắt lòng khi thấy những người phụ nữ Lý Sơn (Quảng Ngãi) ngất lên, ngất xuống khi hay tin cha, chồng, anh em đang đánh bắt bình thường trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc bắt giữ… mới thấy hết những nỗi gian lao mà người miền Trung phải gánh chịu.

Bàng hoàng, đau thương, xót xa, mất mát… là tất cả những cung bậc cảm xúc mà mỗi người dân miền Trung đều có thể phải trải qua trước thiên tai địch hoạ. Nhưng chắc chắn trong đó không có cái gọi là “run lẩy bẩy”. Các tỉnh, thành đang nỗ lực phòng chống, để nếu siêu bão có ập vào thì cũng hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Nhìn lại quá khứ chưa xa, nếu “run lẩy bẩy” thì có lẽ miền Trung đã không còn ngư dân dám ra biển sau siêu bão Chanchu. Nếu “run lẩy bẩy” thì Quảng Ngãi đã chẳng có những ngư dân kiên cường bám trụ ngư trường Hoàng Sa để vừa làm kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nếu “run bẩy lẩy” thì làm sao miền Trung có thể gượng dây sau thiên tai thảm khốc để làm nên những thương hiệu du lịch như Festival Huế, pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, “Hành trình di sản” Quảng Nam?...

Đồng cảm với những mất mát, chia sẻ với những khó khăn, chung tay với những nỗ lực vượt qua thiên tai địch hoạ là những điều người miền Trung đang rất cần từ đồng bào cả nước và bè bạn nước ngoài. Nhưng thương hại đến mức có những nhìn nhận bôi bác không phải là điều miền Trung chào đón. Dải đất nghèo khó này đã, đang và sẽ tiếp tục kiên cường vượt qua thử thách, như đã từng kiêm cường suốt bao đời nay để làm chiếc đòn gánh vững vàng gánh hai đầu đất nước trước muôn trùng sóng gió.

Cẩm An

;
.
.
.
.
.