.

Miền Trung: Mưa lũ diễn biến phức tạp, bão mạnh đang đe doạ

(ĐNĐT) - Cuối giờ chiều 16-10, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho hay, do mưa lớn kéo dài trong mấy ngày qua, hiện lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình đang lên nhanh. Riêng trên sông Ngàn Sâu đã xuất hiện lũ đặc biệt lớn, mực nước tại trạm Chu Lễ tương đương lũ lịch sử năm 2007.

Đợt mưa lớn sẽ còn tiếp tục kéo dài 2 - 3 ngày tới, tập trung từ Nghệ An đến Quảng Bình. Lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình còn tiếp tục lên nhanh; riêng sông Ngàn Sâu ở mức rất cao. Tình hình ngập lụt sâu, diện rộng trên lưu vực sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) và sông Gianh (Quảng Bình) tiếp tục diễn ra nghiêm trọng.

Trong khi đó, theo Đài Khí tượng thuỷ văn Trung Trung bộ, đêm 16 rạng sáng 17-10, lũ trên hầu hết các sông thuộc Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế đã đạt đỉnh, tiếp tục xuống chậm và ở dưới mức báo động 1, riêng sông Bồ còn ở trên mức báo động 1.

Đáng chú ý, vị trí trung tâm áp thấp đang ở trên vùng biển thuộc khu vực các tỉnh Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với đới gió Đông Bắc hoạt động mạnh, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6 – 7, giật trên cấp 7, có mưa rào và dông mạnh, có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Trong ngày 16-10, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có công văn gửi Ban chỉ huy PCLB các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam, nêu rõ: “Hiện nay, tình hình mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế đang diễn biến phức tạp, trong vài ngày tới có khả năng sẽ tiếp tục mưa to đến rất to, đề phòng lũ lớn kéo dài nhiều ngày; cơn bão mạnh đang xuất hiện trên vùng biển Philippines (tên quốc tế Megi) có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta“.

Ban chỉ đạo PCLB Trung ương yêu cầu các địa phương trên cảnh báo cho nhân dân biết về diễn biến mưa, lũ và những khu vực có nguy cơ sạt lở, để không bị bất ngờ và chủ động phòng tránh; hạn chế thấp nhất thiệt hại, đặc biệt là về người. Sơ tán dân khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở núi, lũ quét, ngập sâu. Dự phòng lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm và phương tiện tại chỗ, ở những khu vực có nguy cơ bị ngập lũ, chia cắt.

Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại chỗ. Tổ chức kiểm tra, rà soát các hồ chứa nước (thủy lợi và thủy điện) để có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn khi có tình huống xấu xảy ra. Trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Cẩm An

;
.
.
.
.
.