.
Mưa lũ ở các tỉnh Bắc Trung bộ:

Đã có 35 người chết, mất tích do mưa lũ

.

(ĐNĐT) - Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW), tính đến sáng 6-10, đã có 28 người chết, 7 người mất tích và 9 người bị thương do mưa lũ nghiêm trọng tại các tỉnh Bắc Trung bộ

Theo báo cáo ngày 6-10 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo PCLBTW, hiện lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình đang xuống nhưng còn ở mức cao, riêng hạ lưu sông La tiếp tục lên chậm và đạt đỉnh vào sáng ngày 6-10. 

Nhiều nhà dân ở Phương Điền, Hương Khê, Hà Tĩnh chìm trong biển nước (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Trong đợt mưa lũ từ ngày 1 đến 5-10, có 6 huyện với 34.650 ngôi nhà, Quảng Trị có 52 xã, phường của 8 huyện, thị xã, TP với trên 10.000 ngôi nhà và Thừa Thiên - Huế có 4 huyện, TP với 7.200 ngôi nhà bị ngập lụt.

Đáng mừng là các hồ chứa nước lớn trong khu vực vẫn giữ được an toàn. Đến 15giờ ngày 5-10, hồ thuỷ điện Hố Hô (Hà Tĩnh) đã khắc phục xong hư hỏng cửa van và trở lại hoạt động bình thường. Các hồ chứa thủy lợi từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế nhìn chung đang ở dưới mực nước thiết kế, cá biệt có một số hồ có mực nước cao như hồ Vực Mấu (Nghệ An); hồ Kẻ Gỗ, hồ Sông Rác (Hà Tĩnh); hồ Vực Tròn, hồ Phú Vinh, hồ Tiên Lang (Quảng Bình), hồ Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế) đã vượt thiết kế, đang xả lũ theo quy trình đảm bảo an toàn hồ chứa và chủ động phòng, chống lũ.

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động 2 trực thăng, ca nô cao tốc, xe lội nước vào các vùng tâm lũ, các vùng ngập nặng của tỉnh Quảng Bình, mang theo mì tôm, lương khô, nước uống để cứu trợ cho người dân. Hiện đã đưa được 12,5 tấn mỳ tôm; nước lọc, bạt che mưa về địa phương để cứu trợ, hỗ trợ khẩn cấp cho nhân dân; cùng ngày các tuyến giao thông huyết mạch quan trọng trong tỉnh đã cơ bản được thông xe. Toàn tỉnh đã sơ tán được 5.023 hộ/23.255 nhân khẩu từ vùng ngập lụt, có nguy cơ sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn.

Ban chỉ huy PCLB tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 350 cán bộ, chiến sỹ, 11 xuồng cao tốc, 1 xe cứu hộ, 1 máy đào, 1 xe tời, 200 áo phao và 20 nhà bạt để chi viện cho huyện Hương Khê và Vũ Quang. Bộ Tư lệnh Quân khu IV cũng điều động 120 cán bộ, chiến sỹ tham gia ứng cứu lũ lụt. Tổng Công ty điện lực Miền Bắc, Bộ NN-PTNT cử các đoàn công tác phối hợp với tỉnh chỉ đạo công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả. Toàn tỉnh đã tổ chức di dời được 4.122 hộ/16.098 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tỉnh Quảng Trị cũng đã tổ chức di dời được trên 5.000 hộ dân với khoảng 20.000 nhân khẩu, tỉnh Thừa Thiên - Huế di dời được 550 hộ ở vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ bị lũ quét đến nơi an toàn.

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo PCLBTW, tính đến sáng 6-10, tại các địa phương trên đã có 28 người chết (Quảng Bình 12 người, Hà Tĩnh 7 người, Nghệ An 6 người, Quảng Trị 3 người), 7 người mất tích (Nghệ An 3 người, Hà Tĩnh 2 người, Quảng Bình 1 người, Quảng Trị 1 người) và 9 người bị thương (Nghệ An 4 người; Hà Tĩnh 2 người; Quảng Trị 2 người; Quảng Bình 1 người).

Đã có 12 tàu/83 người bị chìm (Nghệ An 4 tàu/33 người; Quảng Trị 2 tàu/4 người; Quảng Bình 6 tàu/46 người). Ngoài ra còn có 14 tàu/112 người đang bị trôi dạt, cần trợ giúp (Nghệ An 2 tàu/14 người; Quảng Bình 12 tàu/84 người).

Hiện một số địa phương đã có đề nghị Trung ương hỗ trợ cho công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong đó, tỉnh Quảng Bình đề nghị hỗ trợ 1,5 triệu gói mì tôm; 2,5 triệu chai nước uống và 10 canô cứu hộ. Tỉnh Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ 60 tấn mì tôm; 8.000 thùng nước khoáng; 1000 kg hóa chất xử lý nước sinh hoạt. Tỉnh Quảng Trị đề nghị hỗ trợ 1.500 tấn gạo, 3.000 phao áo cứu sinh, 50 phao bè. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị hỗ trợ 1.000 tấn gạo; 10 tấn mỳ tôm, 1000 áo phao, 2 tàu 240CV và 7 ca nô 85CV. Ban chỉ đạo PCLBTW đã tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cẩm An

;
.
.
.
.
.