Hiện nay, nhà ở cho sinh viên, công nhân thuê trọ trên địa bàn Đà Nẵng phần lớn kém chất lượng, đặc biệt các dãy trọ ở xung quanh Khu công nghiệp Hòa Khánh, quanh các Trường Đại học Bách khoa, Sư phạm… Điều này cũng dễ hiểu, đa số đối tượng thuê trọ với túi tiền có giới hạn, chủ cho thuê biết rõ tình cảnh này nên việc đầu tư xây dựng phòng trọ cũng chỉ mang tính tạm bợ, có để ở là được chứ không cần kiên cố.
Một dãy phòng trọ sinh viên sau trận mưa lớn. |
Điệp khúc: mưa là dột!
Dạo quanh các dãy trọ ở khu vực Khu công nghiệp Hòa Khánh, các Trường Đại học Bách khoa, Sư phạm…, vào mùa mưa, hầu hết nhà cửa đều ẩm ướt, phòng dột khắp nơi. Hỏi qua một số người thuê trọ đều nhận được những cái lắc đầu ngán ngẩm về chất lượng phòng ở. Nguyễn Văn Thông, sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng nói: “Anh xem, cái phòng em thuê hai anh em ở rộng chưa đầy 10m2 nhưng mỗi tháng phải trả 500 ngàn đồng chưa kể tiền nước, tiền điện và các khoản phát sinh khác. Nhưng chất lượng phòng trọ…, nắng thì nóng như lò thiêu, mưa thì ướt như chuột lột.
Sách vở, áo quần luôn trong tình trạng ẩm mốc…”. Anh Nguyễn Văn Sĩ, công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh than thở: “Mỗi tháng lương chưa được 2 triệu đồng, mà giá thuê phòng trọ đã mất 4-5 trăm ngàn rồi. Đã vậy cái phòng ở cũng chẳng cho ra hồn, phòng tuy có nhà vệ sinh khép kín đấy, nhưng gọi là cho có chứ chỉ tổ thêm ô nhiễm, bị ứ tắc thường xuyên, lại mùa mưa nữa, phòng luôn bị ngâm nước đến phát sình”.
Nhiều người may mắn thuê được phòng trọ mới xây thì còn đỡ cảnh thốt nước. Còn đa số đều là phòng cũ, nhất là các phòng đã trải qua cơn bão lịch sử tháng 9 năm 2006, sau 4 năm các phòng này cũng chỉ được chắp vá sửa chữa tạm bợ, che lại tấm tôn tận dụng rồi cho sinh viên, công nhân thuê. Chính vì thế, thực trạng xuống cấp hệ thống phòng trọ cho sinh viên, công nhân thuê hiện nay rất phổ biến. Một chủ nhà trọ có 12 phòng cho thuê ở sau lưng Trường Đại học Sư phạm phân trần: “Năm nào cũng mưa bão, sửa thế nào cho kịp, chỉ vá víu khỏi gió mưa tạt vào là được. Còn dột đôi chút thì rồi nó khô, ăn thua gì, phòng thế đấy, mà còn chẳng đủ cho người ta thuê nữa là”.
Do nhu cầu thuê trọ ngày một tăng, các chủ nhà trọ không ngừng đẩy giá cho thuê lên cao, mặc dù nhìn cái phòng trọ chẳng khác gì “ổ chuột”. Trong khi lượng sinh viên, công nhân tràn về thành phố ngày càng đông, nhưng số phòng xây mới thì tỷ lệ nghịch với số người có nhu cầu. Thế là có khi một cái chái hiên nhà, nhiều người vì lợi nhuận mang danh “mưu sinh” đã lắp ráp vài miếng tôn vá víu cho ra hình cái phòng và… cho thuê.
Giá tiền lên, chất lượng xuống
Chỉ nhẩm tính sơ bộ theo cách của mấy sinh viên thuê trọ dài kỳ sẽ thấy được hiện trạng trên đang diễn ra ở hầu hết các dãy trọ. Cứ đầu năm học, giá phòng nhích lên 50 ngàn so với năm cũ, đến giữa kỳ, lấy lý do vật giá leo thang hay xăng dầu tăng, chủ nhà trọ đẩy giá phòng lên lần nữa. Cứ thế điệp khúc này diễn ra năm này qua năm khác. Võ Văn Bình, một cựu sinh viên Bách khoa vừa ra trường nhìn lại chặng đường tăng giá của phòng trọ mình thuê mà phát hoảng: “Hồi mới vào học, mỗi phòng chỉ thuê từ 120 ngàn đến 150 ngàn là cùng (thời điểm 2005-2006), nhưng giờ đã lên giá đến 450-500 ngàn đồng/phòng. Trong lúc phòng ốc vẫn thế, chẳng thấy chủ nhà sửa sang gì hết, có chăng sau mùa mưa bão, họ vá thêm mấy tấm tôn cũ để đỡ bị dột”.
Chứng kiến mấy bạn sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Sư phạm đang lúi húi dùng quạt điện để sấy phòng, quần áo cho nhanh khô trong dãy nhà trọ nước lên gần nửa phòng vừa rút mà thấy thương. Tại dãy trọ này, cứ mưa xuống là “lên giường giăng câu câu cá dưới giường” - như cách nói của một bạn trong dãy trọ. Nghe thì tếu, nhưng nhìn mức nước vừa rút mới hiểu được nỗi niềm các sinh viên sống ở đây. Nguyễn Thị Lan Anh, tân sinh viên Sư phạm than thở: “Em mới ra đây học.
Quê em ở Quảng Nam, vừa ra thì thuê được căn phòng này với giá 450 ngàn. Nhưng mấy ngày nay mưa to quá, nước ngập tràn vào phòng, cứ chỗ nào nước lên thì khi nước rút, sờ vào lập tức sơn, vôi vữa vụn ra, rơi xuống trông rất sợ. Nói với chủ nhà thì được trấn tĩnh phòng nhỏ, thấp không sao đâu, người ta thuê trọ bao năm rồi có sao đâu”. Thực trạng khan hiếm chỗ ở đang đẩy những sinh viên, công nhân thu nhập thấp phải ở những căn nhà trọ tồi tàn không xứng đáng với giá tiền thuê phòng. Trong lúc tại ký túc xá các trường hiện nay chỉ đáp ứng được một phần rất ít cho sinh viên vào ở.
Hiện nay, thành phố đang nỗ lực xây dựng làng sinh viên, các khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp để phần nào giải quyết thực trạng trên. Tuy nhiên, thực trạng sinh viên, công nhân phải sống trong các dãy nhà trọ kém chất lượng chắc sẽ còn kéo dài mà chưa ai dám chắc đến bao giờ mới kết thúc.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY