Chăm lo cho đồng bào dân tộc biết đọc, biết viết, phát triển đời sống văn hóa luôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước... Đến nay, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Đà Nẵng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Công tác giáo dục cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư. Trong ảnh: Một buổi học của học sinh lớp 4, Trường tiểu học Hòa Bắc, Hòa Vang. |
Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sống tập trung chủ yếu ở 3 thôn Phú Túc, xã Hòa Phú; Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang với 236 hộ, 894 nhân khẩu. Trong đó, thôn Phú Túc có 86 hộ, 333 nhân khẩu; thôn Tà Lang có 79 hộ, 233 nhân khẩu và thôn Giàn Bí có 71 hộ và 328 nhân khẩu. Trong những năm qua, công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc luôn được Đảng và chính quyền các cấp quan tâm, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ và tạo điều kiện cho các địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, từng bước thoát nghèo.
Đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc ở 2 thôn Giàn Bí, Tà Lang (xã Hòa Bắc) là một ví dụ. Anh Đinh Văn Như, Bí thư chi bộ thôn Giàn Bí cho biết: Sau khi đất nước thống nhất, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Cơtu rất khó khăn, số người biết chữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điện, đường, trường, trạm không có. Nhưng từ khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đến nay, đời sống của bà con nơi đây có bước phát triển. Theo đó, kinh tế địa phương từng bước phát triển, nhà Gươl của thôn cũng được đầu tư sửa sang, phục dựng, trong những ngày lễ, Tết hay các cuộc họp thôn đều được tổ chức vui chơi, sinh hoạt. 95% số hộ đã có ti-vi; toàn thôn có 35 chiếc xe máy; điện, đường, trường trạm được ổn định. Trong đó, trường tiểu học được đầu tư xây dựng ngay tại thôn bản với đầy đủ tiện nghi, bàn ghế, đồ dùng học tập của các em.
Bên cạnh đó, hằng năm vào dịp hè, các lớp xóa mù chữ do học sinh, sinh viên các trường tổ chức đã vận động hàng trăm người bỏ học giữa chừng trở lại lớp. Những người trong độ tuổi đã thoát khỏi cảnh mù chữ, bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức của đồng bào dân tộc về nhu cầu văn hóa. Việc thực hiện khu dân cư có nếp sống văn minh, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, không rượu chè, làm mất đoàn kết cũng được tuyên truyền và triển khai đến thôn và được các hộ hưởng ứng.
Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: Hiện hai thôn Tà Lang, Giàn Bí đã giải quyết được nạn đói triền miên, chấm dứt tình trạng phát rừng làm nương rẫy. Số hộ có thu nhập bình quân một năm từ 5 triệu đồng trở lên có khoảng 21 hộ (chiếm 15%). 80% - 90% số hộ sử dụng nước sạch, 100% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Đồng bào đã tự mua sắm xe gắn máy và phương tiện nghe nhìn phục vụ đời sống tinh thần...
Hiện nay, tại địa bàn các xã miền núi có đông đồng bào dân tộc sinh sống đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Từ cuộc sống tự cung tự cấp, phát nương làm rẫy là chính đã chuyển sang cuộc sống định canh, định cư, từng bước thực hiện sản xuất lúa nước, phát triển kinh tế rừng kết hợp với chăn nuôi. Cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư xây dựng và nâng cấp qua từng năm.
Về đời sống văn hóa, ở các thôn đều được cấp phát miễn phí nhiều loại sách, báo, tạp chí. Ngoài việc xây dựng mới 3 nhà Gươl, khôi phục y phục dân tộc cổ truyền của người Cơtu; phong tục văn hóa cồng chiêng trong các lễ hội được duy trì, tạo mọi điều kiện cho đồng bào dân tộc giữ vững bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời hòa nhập cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa mới trong khu dân cư.
Đời sống văn hóa của nhân dân được nâng lên, tạo thêm sức sống mới, tạo động lực mới để đồng bào dân tộc hăng hái thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Bài và ảnh: KIM OANH