.

Những câu chuyện ở Làng Hy Vọng

.

Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khó khăn thành phố Đà Nẵng (Làng Hy Vọng) thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố đang nuôi dưỡng 136 em. Đây là những số phận nghèo, mồ côi cha mẹ, trẻ em tàn tật, bất hạnh. Với hoàn cảnh đặc biệt ấy, song các em không bi lụy mà vươn lên trong cuộc sống, học tập, làm nên những câu chuyện cổ tích thần kỳ...

Mô tả ảnh.
Một giờ học của các em khuyết tật ở Làng Hy Vọng.

Năm 2010, Làng Hy Vọng (LHV) nhận đỡ đầu 28 trẻ em khuyết tật. Các em được các cô giáo, bảo mẫu chăm sóc hết sức tận tình. Mỗi ngày 2 buổi, các em được học văn hóa. Ông Nguyễn Viết Thanh, Phó Giám đốc LHV cho biết: Vào đây, các em được học văn hóa. Khi đủ tuổi hòa nhập cộng đồng (18 tuổi), các em tiếp tục được LHV giới thiệu cho đi học những nghề mà các em ưa thích, sau đó giúp các em xin việc làm; em nào có khả năng, tiếp tục cho đi học ở các trường đại học, cao đẳng. 13 năm qua, đã có hàng chục em tật nguyền bất hạnh được LHV dạy dỗ trở thành những con người có ích cho xã hội.

Điển hình như Nguyễn Hàm Chương (28 tuổi), quê thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Chương bị câm điếc bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Năm 7 tuổi, Chương được bố mẹ gửi vào LHV. Vẫn lành lặn như người bình thường nhưng không nói, không nghe được, đôi lúc Chương thấy mình như người bỏ đi. Thế nhưng, được sự dạy dỗ tận tình của các giáo viên, bảo mẫu ở LHV, cuối cùng Chương biết cách giao tiếp xã hội, biết nhận dạng mặt chữ và viết. Chương được LHV giới thiệu cho đi học nghề làm bánh mì. Gần 1 năm miệt mài, Chương đã thành thạo nghề và được một chủ cơ sở người nước ngoài (có trụ sở đóng tại địa bàn quận Hải Châu) nhận vào làm việc. Hiện Chương có nguồn thu nhập hằng tháng ổn định và đã lập gia đình với một cô gái cùng cảnh ngộ.

Cũng như Chương, Lê Ngọc Chấn (27 tuổi), quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bị câm điếc từ nhỏ và cũng vào LHV từ bé. Không vị kỷ vì sự khiếm khuyết của bản thân, Chấn phấn đấu vươn lên để vượt qua nỗi đau số phận. Bằng sự nhạy cảm của một người câm điếc, Chấn có thể hiểu những điều người đối diện nói và giao tiếp với họ bằng cử chỉ, nét mặt. Chấn ra hiệu khi gặp chúng tôi, rằng cậu không phải là người bất hạnh, vì cậu vẫn cảm nhận được từng hơi thở của cuộc sống, dù nhọc nhằn hơn người bình thường. Sự lạc quan ấy Chấn học được từ chính những con người đã nuôi nấng, dạy dỗ cậu ở LHV.

Lê Ngọc Đức (SN 1984), Lê Ngọc Diễm My (SN 1986) cùng sinh ra ở Huế, cha mất sớm, mẹ đau ốm nhưng vẫn phải vào tận thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống nuôi con. Đức và My được LHV nhận vào nuôi dưỡng, cho đi học ngay từ nhỏ. Được các cô thầy trong LHV động viên, chia sẻ, hai anh em đã cố gắng học tập. Trong những năm học ở các cấp học, Đức luôn được nhà trường khen thưởng. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Đức thi đỗ vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Học được 2 năm thì Đức được bảo lãnh sang Mỹ tiếp tục học đại học. Đức chính là niềm tự hào và là tấm gương cho em gái. Vì vậy mà sau khi học xong phổ thông,  Diễm My cũng thi đỗ vào một trường đại học ở Hà Nội. Sau khi sang Mỹ, nhận thấy các bạn trong LHV vẫn còn nhiều khó khăn, Đức đã vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ tiền, đồng thời tự bỏ tiền túi để giúp LHV xây phòng kho, bể chứa nước sạch.

Em Hồ Thị Lành (quê Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sau khi được LHV giúp đỡ, có cơ hội học tập, Lành đã vượt qua nỗi buồn gia đình, vươn lên học tập tốt để trở thành người có ích. Với ước mơ sau này sẽ trở thành một cô giáo dạy cho những em có hoàn cảnh như mình, học xong cấp 3, Lành thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam. Trong quá trình học tập, Lành đã được một người Nhật bảo lãnh sang Nhật để tiếp tục học tập.

Trần Văn Nhỏ (SN 1982), quê Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có bố mẹ mất sớm, ở với ông bà nội. Hoàn cảnh nghèo, ông bà nội già yếu không lo nổi cho cháu, Nhỏ được LHV nhận nuôi dưỡng, cho ăn học. Không phụ lòng mong mỏi của ông bà nội, của các thầy cô ở LHV, Nhỏ không ngừng nỗ lực học tập. Đến nay, Nhỏ đã có công ăn việc làm ổn định ở Đà Nẵng. Hay như Châu Thị Huyền Trang (SN 1984), ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cha mẹ cũng mất sớm và LHV trở thành ngôi nhà thứ hai của Trang. Sau khi học xong cao đẳng, Trang xin vào Hội An làm du lịch, có thu nhập khá, cuộc sống ổn định...

Theo thầy Thanh, khó khăn nhất hiện nay của LHV là nguồn kinh phí quá thiếu thốn. Ngoài một số tổ chức hỗ trợ, còn lại LHV phải tự vận động để hoạt động. Mong muốn của những thầy cô ở LHV là toàn xã hội cùng chung tay để những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, học tập, trở thành những con người có ích cho xã hội.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.