.

Nỗi niềm trực cấp cứu

.

Như một phản xạ bản năng, hễ có bệnh nhân chuyển đến, không kịp hỏi tên tuổi, quê quán, các bác sĩ nhanh chóng làm công việc quan trọng là xác định bệnh trạng và cấp cứu để bệnh nhân qua cơn nguy hiểm. Với tinh thần “lương y như từ mẫu”, mỗi năm những người trực cấp cứu ở Bệnh viện Đà Nẵng đã cứu sống kịp thời hàng nghìn bệnh nhân.

Mô tả ảnh.
Các y, bác sĩ nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào phòng cấp cứu.

Chúng tôi có mặt tại Phòng Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng (BVĐN) vào một ngày trời mưa đầu tháng 10. Mới 7 giờ sáng mà ở đây đã nhộn nhịp người. Chiếc xe cấp cứu 115 của bệnh viện vừa hú còi vào cổng, trên xe, một bệnh nhân nam trạc tuổi 40 nằm bất động. Chẳng ai bảo ai, các y tá nhanh chóng chuyển bệnh nhân xuống xe đẩy vào trong phòng cấp cứu. Không cần hỏi han tên tuổi, quê quán, sau vài giây chẩn bệnh theo nghề nghiệp, các bác sĩ nhanh chóng lấy ống khám bệnh, đo huyết áp, treo ống chuyền nước... Công việc rất nhanh gọn. 15 phút, các bác sĩ đã làm xong thao tác cấp cứu, bệnh nhân được chuyển sang bộ phận chuyên môn khác để tiếp tục điều trị.

Chưa kịp nghỉ uống ly nước vì ca bệnh vừa rồi, một chiếc xe cấp cứu khác lại chở đến một bệnh nhân nữ trong tình trạng nguy kịch đỗ xịch trước sân, 2 y tá nữ chạy ra xe đón bệnh nhân. Một bác sĩ nói như quát: Nhanh lên, chuyển bệnh nhân vào trong! Hai y tá cùng với bảo vệ chuyển người phụ nữ xuống xe đẩy đưa vào phòng để cấp cứu. Phía trong phòng cấp cứu, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, các bác sĩ nhanh chóng làm nhiệm vụ của mình... Cứ như thế, trong hơn một giờ đồng hồ ngồi quan sát, chúng tôi thấy hơn 10 ca cấp cứu được chuyển vào, các bác sĩ ở đây xoay như chong chóng để làm công việc cứu người. Dù trời mưa, tiết trời se lạnh nhưng chiếc áo blue trắng mà họ mang trên người vẫn thấm ướt mồ hôi...

Bác sĩ Hà Châu Thanh, Trưởng khoa khám bệnh, BVĐN tâm sự: Những năm trước đây, phòng cấp cứu tiếp từ 100 đến 150 ca/ngày. Nay số lượng tăng lên từ 250-300 ca/ngày. Trong khi đó, số y, bác sĩ làm ở bộ phận này chỉ có khoảng 36 người vừa cấp cứu vừa khám bệnh, chia thành từng ca, trực 24/24 giờ. Vì vậy áp lực công việc rất cao. Nhưng, với tinh thần “lương y như từ mẫu”, các y, bác sĩ đã vượt qua mọi khó khăn để giành lấy mạng sống cho người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Băng Đình, Phòng Cấp cứu BVĐN cho biết, đã hơn 10 năm công tác tại đây, ngoài việc khám, chữa bệnh, anh đã cùng với đồng nghiệp kịp thời cấp cứu cho hàng trăm nghìn bệnh nhân, trong đó giành lại sự sống cho nhiều người tưởng chừng như không thể cứu được.     Trong phút rảnh rỗi hiếm hoi, một nữ bác sĩ tâm sự: Nghề chúng tôi phải vận dụng hết trí, lực và cả tinh thần để cứu bệnh nhân. Khi bệnh nhân được chuyển vào cấp cứu, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, việc chẩn đoán luôn phải chính xác, nhờ đó công tác cấp cứu tuyệt đối an toàn, không để xảy ra những tình huống xấu.

Đối với các bác sĩ, y tá làm ở Phòng Cấp cứu, áp lực công việc rất lớn, vì họ không chỉ phải đối mặt với sự sống và cái chết của người bệnh, mà còn chịu sức ép từ người nhà bệnh nhân, thậm chí là những hành động, lời nói không mấy thiện cảm. Theo bác sĩ Trưởng khoa Hà Châu Thanh, thường những bác sĩ mới về phòng cấp cứu rất bỡ ngỡ và phải gồng mình để làm quen với những áp lực. Bác sĩ Nguyễn Băng Đình cũng cho hay, đã có một số bác sĩ, y tá bị người nhà hành hung dẫn đến bị thương. Nhưng đã chọn nghề  này thì phải biết đối mặt, chịu đựng và chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.