Thường xuyên lui tới, quan tâm chăm sóc 9 đứa trẻ bị nhiễm HIV tại cộng đồng, với ông bà là một công việc bình thường. Nói là bình thường cũng đúng, bởi nếu không, sao có thể làm được. Nhưng tôi lại thấy nó hoàn toàn không bình thường khi bà đã ngoài 60, còn ông đã 76 tuổi.
Bà Đỗ Thị Phẩm trong lần viếng thăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. |
Trong câu chuyện của ông bà luôn đầy ắp hình ảnh bé K., em V…, những đứa trẻ đang sống với căn bệnh thế kỷ. Chỉ thế thôi, còn về phần mình, trước khi bài báo này lên trang, bà còn nhắn: “Xin em đừng đưa hình ảnh, thông tin về tôi lên báo”.
9 là con số bề nổi…
Nguyên là cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, từng có thời gian phụ trách lĩnh vực phòng, chống HIV, khi nghỉ hưu, bà Đỗ Thị Phẩm và ông Triệu Khanh về tham gia công tác từ thiện tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố. Tại đây, ông bà vẫn miệt mài gắn bó với các bệnh nhân của mình, không phải với tư cách cán bộ y tế, mà là người trót yêu những đứa trẻ không may.
Một chiều chủ nhật mưa, bà đợi tôi ở đầu hẻm nhà một cháu bé bị nhiễm HIV. Khác với mọi khi, hôm nay bà đi một mình vì bác Khanh, người cộng sự đắc lực tạm vắng mặt do bận việc gia đình. Chưa hết bối rối vì không biết trước là bà đi xe đạp gần chục cây số để đến điểm hẹn, tôi đã được “gỡ” bằng nụ cười rạng rỡ: “Có sao đâu, nhiều chỗ còn xa hơn. Chạy xe đạp điện thì hết điện cũng phải… đạp”.
Vừa thấy dáng bà, bé L. bẽn lẽn chạy ra. Cả cha, mẹ của bé L. đều đã qua đời cách đây vài năm vì HIV. Theo bà Phẩm, những đứa trẻ như bé L. tuy còn nhỏ tuổi nhưng sớm ý thức về tình trạng sức khỏe và luôn biết tự bảo vệ mình cũng như người thân. Có bé sợ lây bệnh đến mức bất kể đồ dùng cá nhân gì của bé cũng phải để riêng, không ai được phép chạm tay vào. Qua từng ngày, bà Phẩm đã cho các cháu hiểu mình hoàn toàn có quyền được sống thoải mái hơn và hãy đừng tự tách ra khỏi cuộc sống.
Công việc thường ngày của bà Phẩm, ông Khanh là thăm hỏi sức khỏe, quyên góp tiền, vật phẩm để hỗ trợ cho 9 cháu bị nhiễm HIV tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, bà đã giúp nhiều cháu được đi điều trị thường xuyên ở những cơ sở uy tín. Theo bà Phẩm, 9 là con số bề nổi. Số trẻ đang nhiễm HIV tại cộng đồng không dừng lại chừng ấy, bởi nhiều người không dám nhìn vào thực tế để đi xét nghiệm và điều trị.
Mong các cháu không chịu thêm thiệt thòi
Với các loại bệnh khác, công việc của một bác sĩ đôi khi chỉ đơn thuần là chẩn đoán và điều trị trên chính cơ thể người bệnh. Nhưng với HIV, bà Phẩm còn phải biết chữa “bệnh tư tưởng” cho cả người thân, bạn bè, làng xóm của bệnh nhân. “Tâm lý con người phức tạp lắm. Có người làm trong ngành y thừa sức hiểu về HIV mà vẫn tỏ ra e ngại, né tránh thì nói gì đến những người khác”, bà Phẩm nói.
Hiện nay, bà cùng ông Triệu Khanh đang áp dụng phương pháp vết dầu loang giúp mọi người tự tin hơn khi chung sống với người nhiễm bệnh. Chẳng hạn, tại trường học, lấy đứa trẻ có HIV làm trung tâm, bà sẽ đến tuyên truyền kiến thức phòng, tránh và thái độ đối xử với người có HIV từ cấp lớp đến khối lớp, rồi rộng ra cả trường học. Dự án này đã nhận được giải thưởng của Ngân hàng Thế giới trong Ngày sáng tạo Việt Nam. Theo bà Phẩm, nhiều người có kiến thức rất tốt về căn bệnh HIV cũng như cần làm sao để người có HIV không cảm thấy bị kỳ thị. Song trên thực tế, ở những nơi mà con người được cập nhật nhiều thông tin như tại thành thị, thì họ lại càng né bệnh nhân HIV ra mặt. Vì thế, nhiều “cháu” của bà ở Đà Nẵng phải vào tận thành phố Hồ Chí Minh điều trị, tránh sự dòm ngó của người quen.
Không ít lần ông bà đã đau khổ để đấu tranh cho các cháu được đến lớp như bao bạn bè. Không ngại những lần phải thuê xe thồ vào tận Quảng Nam hay lộc cộc tự đạp xe lên các xã miền núi, bà Phẩm, ông Khanh chỉ mong được thấy các cháu không phải chịu thêm những thiệt thòi.
Dưới cơn mưa chiều, trông cái dáng vẻ đạp xe ra về của bà Phẩm càng thêm mảnh khảnh, hiền lành đến lạ.
Bài và ảnh: THU HOA