LTS: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII dự kiến bắt đầu từ ngày 20-10 đến 27-11 sẽ xem xét nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục bám sát những vấn đề cử tri quan tâm. Trả lời phỏng vấn của Báo Đà Nẵng, đồng chí Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cho biết những vấn đề trọng tâm của kỳ họp này.
Đồng chí Huỳnh Nghĩa phát biểu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII. |
* P.V: Cử tri đang quan tâm kỳ họp QH lần thứ 8 sắp tới, dự kiến chương trình của kỳ họp này như thế nào thưa đồng chí?
- Đồng chí Huỳnh Nghĩa: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII có khối lượng công việc rất lớn so với các kỳ họp khác, vì đây là kỳ họp cuối năm và cũng là kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, vì sau kỳ họp này chỉ còn một kỳ họp cuối cùng (kỳ họp thứ 9) để tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII. Dự kiến thời gian làm việc chính thức của Quốc hội tại kỳ họp là 32 ngày, trong đó bao gồm làm việc cả 4 ngày thứ bảy.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011; quyết định dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011; báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và công tác đặc xá, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác xây dựng pháp luật và một số báo cáo quan trọng khác.
Một trong những nội dung kỳ họp được dư luận rất quan tâm là Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường ở 10 tỉnh, thành phố trong cả nước.
* P.V: Tại kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung tham gia những vấn đề gì với Quốc hội?
- Đồng chí Huỳnh Nghĩa: Để chuẩn bị nội dung tham dự kỳ họp, thời gian qua, các vị đại biểu Quốc hội cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tích cực triển khai nhiều chương trình công tác quan trọng như tiếp xúc cử tri để thu thập tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thành phố về xây dựng chính quyền, xây dựng đất nước; tổ chức một số hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn đối với những dự án luật mà Chính phủ trình Quốc hội để xem xét, thông qua hoặc cho ý kiến; mời một số vị giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia có uy tín trên địa bàn thành phố nghiên cứu, cho ý kiến về những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8…
Trên cơ sở đó, tại kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tập trung tham gia xem xét, thảo luận, quyết định những vấn đề lớn, quan trọng mang tầm quốc gia như việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011; quyết định dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011, phương án phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2011; việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật về điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, công tác phòng chống tham nhũng, công tác đặc xá, tha tù trước thời hạn mà dư luận thời gian qua rất quan tâm; việc thực hiện chương trình trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006-2010 và dự kiến chương trình trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015; tình hình hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin); việc sử dụng vốn và tài sản của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; tình hình cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng; kết quả giám sát tối cao của Quốc hội về cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp; việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thảo luận, xem xét, thông qua 9 dự án luật và Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp, cho ý kiến 9 dự án luật; chất vấn - trả lời chất vấn và đặc biệt là xem xét, đánh giá việc tổng kết bước 1 về thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước…
* P.V: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng việc sửa 2 luật này mới chỉ mang tính kỹ thuật. Có nên tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường không. Quan điểm của đồng chí về hai vấn đề này như thế nào?
- Đồng chí Huỳnh Nghĩa: Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về việc tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp trong cùng một năm, là năm đầu mỗi kế hoạch 5 năm; năm 2011 sẽ diễn ra 3 sự kiện chính trị trọng đại của đất nước: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và tiếp theo sẽ tiến hành bầu cử đồng thời đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật SĐBS Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND còn có hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất thì tán thành với phạm vi SĐBS như Dự thảo Luật, tập trung SĐBS các vấn đề thật sự cấp bách nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện bầu cử chung đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân trong cùng một ngày; còn loại ý kiến thứ hai đề nghị cần sửa đổi cơ bản các luật về bầu cử nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong tổ chức bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, tạo điều kiện để cử tri phát huy được quyền và nghĩa vụ công dân trong xây dựng bộ máy Nhà nước, lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Qua tổng kết, đánh giá việc thi hành các luật về bầu cử, thấy rằng những cuộc bầu cử gần đây về cơ bản đều được tiến hành an toàn, dân chủ, tiết kiệm, đúng pháp luật. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới thì bên cạnh những ưu điểm, các luật về bầu cử đã bộc lộ những hạn chế, bất cập không chỉ về vấn đề tổ chức thực hiện trong công tác bầu cử mà còn cả những vấn đề như điều kiện, tiêu chuẩn đại biểu, điều kiện tự ứng cử, số đại biểu được bầu tại mỗi đơn vị bầu cử, v.v…
Đây là những vấn đề cần phải được nghiên cứu sâu sắc, toàn diện để sửa đổi một cách cơ bản và đồng bộ các luật về bầu cử và các văn bản quy phạm pháp luật khác về tổ chức bộ máy Nhà nước. Nhưng vì thời gian từ nay đến khi tổ chức bầu cử không còn nhiều, do đó, để đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc bầu cử chung trong năm 2011 thì cũng chỉ tập trung vào việc SĐBS những vướng mắc sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện là chủ yếu. Đồng thời, Quốc hội cũng đã dự kiến sửa đổi toàn diện các Dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân (sửa đổi) vào Chương trình chuẩn bị của năm 2011.
Về vấn đề có nên tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường hay không; tôi cho rằng đây là một vấn đề nhạy cảm, có ảnh hưởng lớn về mặt xã hội, có liên quan đến Hiến pháp về tổ chức bộ máy Nhà nước nên cần được xem xét thận trọng, chu đáo. Cá nhân tôi qua theo dõi, tổ chức triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường ở thành phố Đà Nẵng thời gian qua có những thuận lợi cơ bản và đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, cũng còn có những vướng mắc, tồn tại cần sớm khắc phục. Vì vậy, tôi ủng hộ việc triển khai không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.
* P.V: Cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn.
SƠN TRUNG (Thực hiện)