.
Phụ nữ Đà Nẵng: Con người và sự kiện

Những chuyện hòa giải thành công

.

Tại hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ và giải quyết các trường hợp bạo lực gia đình (BLGĐ), do Hội LHPN thành phố tổ chức, nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 80 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện của chính những người trong cuộc kể lại. 

Mô tả ảnh.
Chị Phạm Thị Ngọc Lan chia sẻ câu chuyện bị bạo hành.

Đã có nhiều cái kết hòa giải thành công, và cũng còn đó bao nỗi niềm từ cuộc chiến tìm lại hạnh phúc cho những thân phận chân yếu, tay mềm.

1- Chỉ vào đỉnh đầu, nơi có vết thương dài được khâu 12 mũi, chị Phạm Thị Ngọc Lan (tổ 35, Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) nói: “Vết thương này do chồng tôi đánh cách đây hai năm. Lúc đó là 2 giờ sáng. Bác tổ trưởng dân phố đã giúp đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu. Khi tôi bắt đầu hồi phục sức khỏe, chồng không đánh đập nữa mà chuyển qua san bằng nhà cửa. Cái gì vào tay, anh cũng đập nát”.

Sau cuộc gặp mặt với Bí thư Thành ủy, chồng chị giờ đã biết sống “yên ổn” hơn trước. Tuy nhiên, theo như lời bà Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố, người đã theo dõi quá trình hòa giải cặp vợ chồng này: “Mừng cho sự thay đổi của gia đình chị Lan, nhưng chúng tôi thực sự chưa dám cam đoan chị sẽ… không bị đánh nữa!”.

2- Khó thể tin, những hình thức bạo lực dã man thời Trung cổ vẫn còn đâu đó quanh chúng ta, mà người hứng chịu tất cả nỗi đau ấy, không ai khác là chị em phụ nữ. Bà Nguyễn Thu Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên (gọi tắt là Csaga) chia sẻ thêm một câu chuyện khác có đoạn kết thành công, nhưng…

Câu chuyện của chị Lại Thị Mai (Phủ Lý, Hà Nam) đến với Csaga khi chị… đã vĩnh viễn ra đi. Mâu thuẫn của gia đình chị Mai được hòa giải nhiều lần nhưng bất thành. Trước ngày ra tòa ly hôn, chồng chị về nhà tẩu tán tài sản. Đang làm đồng, hay tin, chị Mai vội chạy về nhà liền bị em chồng cản lối. Qua xô xát, chị bị ngã đập đầu xuống nền nhà. Người chồng vẫn thản nhiên trước chấn thương của vợ và chị được bà con lối xóm đưa vào bệnh viện. 7 ngày sau, chị mất.

 

Mô tả ảnh.
Sơ đồ xử lý người có hành vi bạo lực.

Tòa tuyên án chỉ có cô em chồng bị 3 năm tù giam. Bất bình trước kết luận ấy, bởi tội lỗi của người chồng mới là căn nguyên của vấn đề, Csaga đã miệt mài đòi lại công bằng cho chị Mai. Để rồi, anh chồng bị kêu án 11 năm tù.

Csaga đã thành công trong cuộc chiến pháp lý. Nhưng tất cả những ai xót thương cho người phụ nữ bạc mệnh này đều lặng đi, không chỉ vì cái kết quá éo le của cuộc đời chị, mà khi họ còn biết thêm rằng, trong cái rét căm căm của miền Bắc, nhiều lần người chồng dã man đã buộc chị cởi bỏ hết quần áo để canh giấc cho hắn ta.

3- Hòa giải hay tìm lối thoát cho người phụ nữ bị bạo hành là một công việc cực kỳ khó khăn, bởi đó là lúc kẻ gây bạo lực sẽ tỏ ra hung hăng hơn bao giờ hết, khi cảm thấy “quyền lực” bị xâm phạm.

Trong 4 năm (2002-2005) có 1.680 phụ nữ và trẻ em bị bạo hành được giám định pháp y, trong đó có 190 trường hợp bị chồng đánh với thương tích thấp nhất là 3% và cao nhất là 12%, chiếm 13,31%. Số điện thoại tư vấn về BLGĐ: 04 3775 9333 (gọi giờ hành chính)

Thẳng thắn đưa những vụ BLGĐ ra trước ánh sáng, Đà Nẵng đã tạo nên bước đột phá và ít nhiều đạt được thành công. Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn thành phố đã xây dựng nhiều mô hình CLB gia đình không bạo lực, cấp phát hơn 6 nghìn tờ rơi “Đừng im lặng trước bạo lực”, kèm theo đó là các hoạt động hỗ trợ kinh tế, tư vấn tâm lý được nhân rộng trong cộng đồng.

Tuy nhiên, như bà Lĩnh nói, dẫu vui mừng, song tiếng nói được cất lên từ những người phụ nữ không thể tiếp tục cam chịu hãy còn yếu ớt và bé nhỏ. Nỗi đau âm thầm, sự khiếp sợ và cô đơn vẫn như bao trùm khi họ đối diện với BLGĐ. “Sự im lặng chỉ được phá vỡ khi phụ nữ hiểu biết về quyền được sống và được chăm sóc”, bà Thúy nói thêm.

Bài và ảnh: Thu Hoa

;
.
.
.
.
.