.
Phụ nữ Đà Nẵng: Con người và sự kiện

Phát huy truyền thống phụ nữ anh hùng

.

Diễn đàn “Ký ức thời gian” diễn ra vào sáng 16-10 đã ôn lại truyền thống anh hùng của phụ nữ đất Quảng trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là hoạt động do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tổ chức, nhằm chào mừng 80 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20-10-1930 – 20-10-2010).

Mô tả ảnh.
Đồng chí Trần Văn Minh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng  tặng hoa cho những phụ nữ tham gia giao lưu. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Đến tham dự diễn đàn, đồng chí Trần Văn Minh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã đánh giá cao những đóng góp của phụ nữ trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đồng chí Trần Văn Minh cho rằng, Hội Phụ nữ thành phố đã thể hiện được sự đổi mới cả về nội dung lẫn phương thức hoạt động, với nhiều sáng kiến mới và cách làm hay, phong phú, nhất là trong các hoạt động giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội. 

Anh hùng trong chiến đấu

Tại diễn đàn, 2 cuộc gặp gỡ, giao lưu với các thế hệ phụ nữ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến hòa bình và công cuộc đổi mới đất nước đã gây ấn tượng sâu sắc. Câu chuyện mà bà Nguyễn Thị Lãnh - nguyên Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc (1949-1953) - chia sẻ là minh chứng sống động về tinh thần kiên trung, bất khuất của các mẹ, các chị. Bà Lãnh cho biết, đông đảo phụ nữ từ nông dân đến trí thức, tiểu thương, học sinh… đã tham gia tích cực vào công cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Ở vùng tự do, để chồng, con an tâm chiến đấu, phụ nữ phải đảm đang trên tất cả các lĩnh vực: Lực lượng dân quân và du kích đào hầm, chống càn quét, đồng thời tăng gia sản xuất, làm thay những công việc của chồng, con. Ở vùng tạm chiếm, phụ nữ ban ngày sản xuất, đêm đến đào hầm và tham gia các hoạt động kháng chiến. Ở vùng tạm chiếm, phụ nữ không những động viên thanh niên thoát ly ra vùng kháng chiến mà còn vận động binh lính địch đào ngũ. Những vụ đốt kho xăng Nại Hiên năm 1951, phá kho xăng Liên Chiểu năm 1965… càng hun đúc tinh thần, ý chí của phụ nữ.

Theo bà Trương Thị Trà - nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Đà (1969-1973), phụ nữ thời đó đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng với các phong trào: Đấu tranh chính trị và binh địch vận; sản xuất, lao động tốt; nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh; học tập văn hóa và nâng cao trình độ… 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám - một trong 7 Dũng sĩ Thanh Khê - đã kể lại trận đánh xuất sắc của các chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng cùng sự hy sinh cao cả của Mẹ Nhu (Lê Thị Dãnh). Bà Tám là người con gái duy nhất trong 7 dũng sĩ, đội quân biệt động với những chiến tích giữa lòng thành phố làm đối phương khiếp sợ. Bên cạnh đó còn có biết bao người mẹ, người chị khác làm sáng ngời truyền thống của phụ nữ Quảng Nam - Đà Nẵng: Mẹ Phạm Thị Cộng ở Điện Tiến (Điện Bàn, Quảng Nam) đêm đêm ngồi bên cây đèn dầu hiu hắt trong túp lều nhỏ canh gác cho cán bộ; chị Trần Thị Lý ngoan cường đã hóa thân vào những vần thơ bất tử; chị Phùng Thị Tương, chị Đặng Thị Trợ ra quân tràn vào đồn Võ Tánh, treo cờ đỏ sao vàng, đốt xe địch, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tất cả các mẹ, các chị mãi mãi là “ngọn đèn không tắt” cho hôm nay và cho muôn đời sau.

Con là công trình mẹ vun đắp

Diễn đàn còn có sự tham gia giao lưu của những phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo và xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời hòa bình, độc lập. Đó là bà Kiều Thị Ba - mẹ của Nguyễn Kiều Hiếu, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, chủ nhân của tấm Huy chương bạc Olympic Toán quốc tế năm 2010; em Hồ Thị Hiếu Hiền (lớp 7/9, Trường THCS Tây Sơn) - giải nhất quốc tế viết thư UPU lần thứ 39.

Cả hội trường đã lắng đọng khi nghe tâm sự của bà Kiều Thị Ba. Chồng mất sớm, với đồng lương ít ỏi, nhất là khi nghỉ hưu thì cuộc sống càng khó khăn hơn, bà Ba phải chắt chiu để nuôi 2 người con. “Biết các con chịu thiệt thòi hơn so với các bạn đồng trang lứa nhưng tôi luôn nhắc nhở con cố gắng trang bị tri thức nền tảng để thay đổi cuộc đời. Tôi cũng luôn dạy con học cách làm người và tính tự lập để có thể đứng vững trên đôi chân của mình”, bà Ba chia sẻ. Người mẹ này biết rằng, sau thành công ban đầu của con trai là cả chặng đường nỗ lực phấn đấu của bản thân Hiếu cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Chính nghị lực của Hiếu là niềm động viên lớn nhất giúp bà vượt qua bao khó khăn.

Là người trẻ tuổi nhất tham gia giao lưu, em Hồ Thị Hiếu Hiền - đại diện cho thế hệ phụ nữ được sinh trưởng trong hòa bình - cũng bày tỏ trách nhiệm của lớp trẻ trong việc phát huy truyền thống phụ nữ anh hùng, góp phần hoàn thiện chuẩn mực của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.

T.PHƯƠNG - T.HOA

;
.
.
.
.
.