.

Bác sĩ bệnh viện công vẫn được hành nghề y tư nhân

.
Theo Pháp lệnh Hành nghề y-dược tư nhân, các bác sĩ trong bệnh viện (BV) công chỉ được tham gia hành nghề y tư nhân đến hết 31-12-2010, khiến không ít bác sĩ mở phòng mạch tư làm thêm băn khoăn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đà Nẵng, với Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ 1-1-2011, các bác sĩ BV công vẫn được tiếp tục làm việc tại cơ sở y tế tư nhân.

“Đóng cửa” phòng mạch tư - bệnh viện sẽ kham không nổi!

Mô tả ảnh.
Từ ngày 1-1-2011, cán bộ y tế, bác sĩ bệnh viện công không được tham gia thành lập, điều hành bệnh viện tư nhưng được mở phòng khám tư. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số BV lớn trên địa bàn thành phố có bác sĩ mở phòng mạch tư cho biết, việc không cho phép bác sĩ các BV công hành nghề y tư nhân, mà cụ thể là mở các phòng mạch tư sẽ bộc lộ một số vấn đề cần phải tính toán và cân nhắc kỹ. Bởi, lâu nay mặt trái phổ biến của một số bác sĩ khi mở phòng mạch tư là xén bớt thời gian làm việc ở BV để tranh thủ khám bệnh, tăng thu nhập cho cá nhân.

Thực tế cho thấy, ở các phòng mạch tư đều thông báo làm việc từ 11 giờ 30 trưa và từ 17 giờ chiều. Do nôn nóng về với bệnh nhân riêng đang chờ, nên bác sĩ sẽ không tập trung hoàn toàn trong khi làm nhiệm vụ tại BV. Nhất là với nhiều bác sĩ cho số điện thoại di động để bệnh nhân liên lạc thời gian khám. Một khi bị phân tâm thì hiệu quả công việc không cao, gây thiệt thòi cho người bệnh. Đó là chưa nói đến một vài trường hợp cá biệt, bác sĩ lợi dụng kiến thức mà mình học được để trục lợi, lợi dụng bệnh tật của bệnh nhân để kiếm tiền. Kể cả làm thêm những điều trái với quy định như vừa khám bệnh kê toa, vừa bán thuốc...Hoặc chỉ định người bệnh làm những xét nghiệm không cần thiết hay truyền dịch để lấy thêm tiền...
 
Đây là một trong những vấn đề gây bức xúc cho người dân và lãnh đạo nhiều BV, bởi tình trạng quá tải người bệnh và yêu cầu chuyên môn khác như tham gia hội chẩn, nghiên cứu khoa học, đào tạo… tại đơn vị rất lớn, nhưng chưa được đáp ứng. Nhưng, điều đáng lo hơn là nếu đóng cửa các phòng mạch tư theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y-dược tư nhân thì vấn đề quá tải tại các cơ sở điều trị công lập sẽ tăng mạnh hơn.

Lý giải cho khả năng này, bác sĩ Nguyễn Minh Sơn, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế thành phố cho biết, nếu tính trung bình mỗi ngày một phòng mạch tư khám bệnh cho khoảng 5 bệnh nhân thì khoảng 450 phòng khám y và 260 phòng khám y học cổ truyền trên địa bàn thành phố sẽ khám ít nhất 3.000 bệnh nhân/ngày. Số lượng bệnh nhân này tương đương với số bệnh nhân đến khám tại BV Đà Nẵng trong một ngày vào mùa cao điểm. Nếu lượng bệnh nhân này đến các BV công lập thuộc tuyến quận, huyện và thành phố thì chắc chắn sẽ tạo ra áp lực nghiêm trọng. Và, khi đó sẽ nở rộ các phòng khám đa khoa tư nhân và bệnh viện tư, vì không ít bác sĩ ở bệnh viện công có tiềm lực sẽ kết hợp lại để làm. Còn những bác sĩ không có tiềm lực mà muốn có thu nhập cao thì nhảy qua BV tư hoặc phòng khám đa khoa tư. Do vậy, sẽ thiếu hụt bác sĩ ở BV công. Đây là điều đáng lo ngại.

Luật Khám chữa bệnh cho phép hành nghề tư

Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn cho biết, theo quy định, từ ngày 1-1-2011, các hoạt động khám chữa bệnh phải tuân theo Luật Khám chữa bệnh. Tại Chương IX, Điều 90 của Luật Khám chữa bệnh cũng nêu rõ: “Khi luật này có hiệu lực thì Pháp lệnh Hành nghề y- dược tư nhân số 07/2003/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực”. Thống kê của Bộ Y tế, đến nay hệ thống y tế tư nhân của nước ta có hơn 30.000 phòng khám, chữa bệnh tư nhân và 102 BV tư.
 
Như vậy, theo quy định của Luật, các bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế công lập vẫn được hành nghề y, dược tư nhân. Tuy nhiên, phạm vi hành nghề cũng phải giới hạn, theo mục 13, Điều 6 của Luật là bác sĩ BV công không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành BV tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.

Bác sĩ Sơn cho biết, hiện những Giấy phép chứng nhận mở phòng mạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã cấp và còn thời hạn thì sẽ tiếp tục gia hạn. Đối với những Giấy phép hết hạn hoạt động trước ngày 31-12-1010 thì Sở đang chờ hướng dẫn quy định cụ thể từ những văn bản dưới Luật. Tuy nhiên, theo một cán bộ làm công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân cho biết, nếu tiếp tục cho bác sĩ trong BV công mở phòng mạch tư thì cần thiết phải xem lại công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng cống hiến cho bệnh viện của từng bác sĩ và cần tăng cường giáo dục y đức. Bởi cho dù mở phòng mạch khám chữa bệnh thì bác sĩ cũng đặt y đức, y đạo lên hàng đầu trong cư xử với người bệnh.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG
;
.
.
.
.
.