Hễ cứ vào mùa mưa, mưa lớn trong thời gian ngắn là nhiều đường phố ngập nước. Nhiều khu dân cư mới, tình trạng ngập nước diễn ra. Điều này ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao thông đi lại của người dân. Các điểm ngập nước đang lan rộng nên cần có giải pháp chống ngập căn cơ hơn thay vì chống chỗ này, ngập thêm chỗ khác.
Nhận diện các điểm ngập
Nhận diện các điểm ngập
Cần có giải pháp khắc phục tình trạng ngập nước diễn ra trên diện rộng. |
Điển hình là sáng ngày 3-9, người dân lo chống ngập, nước mênh mông trên các trục đường ở khu vực trung tâm thành phố như Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám, Đống Đa - Lê Lợi và khu vực đường Quang Trung đoạn trước Bệnh viện Đà Nẵng... Vào ngày 4-9, mưa lớn đã khiến nhiều nhà dân trên tuyến đường Phan Thanh (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) bị nước tràn vào nhà. Mưa lớn trên diện rộng cũng khiến người dân tại các phố trung tâm như Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh, Hoàng Diệu, Trưng Nữ Vương... “sống chung” với nước. Trên quốc lộ 1A, đoạn qua đường Tôn Đức Thắng, lượng người qua lại rất đông, vì thế rất nhiều người phải đứng chờ, hoặc đi ép sát vào dải phân cách vì đây là chỗ cao nhất có thể qua được “biển” nước. Cô Hoàng Thanh Trúc, trú tại đường Phan Thanh cho biết: “Tôi sống ở đây đã mấy chục năm, chưa từng thấy nước ngập cao đến thế”. Ở phường Thuận Phước (quận Hải Châu), tình trạng ngập úng trên địa bàn có dấu hiệu ngày càng nặng thêm. Ngập sâu nhất là tại khu vực đường Đống Đa và các khu dân cư quanh hồ Đầm Rong trước đây. Việc ngập cục bộ khi trời mưa đã gây nhiều xáo trộn trong đời sống người dân.
Biết rồi, nhưng…
Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng ngập úng mà ai cũng biết. Đó là thi công các công trình xây dựng chưa hoàn thiện, chưa khớp nối hệ thống thoát nước. Thậm chí có những bất cập như việc xây dựng các công trình sau có cao trình cao hơn công trình trước đã hoàn thiện, làm việc ngập úng ngày càng nặng hơn. Theo Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu, hiện nay hồ Hòa Phú có chức năng thoát nước cho các khu dân cư mỗi khi trời mưa. Sau trận ngập úng nặng năm 2009, hồ này được quận dự kiến nâng cấp thành hồ thoát nước, nhưng hiện nay vẫn chưa được cải tạo, mặt hồ đầy bèo. Tương tự, tại hồ Tây (khu dân cư Trung Nghĩa, phường Hòa Minh) mặt nước cũng đầy bèo tây, không được khơi thông nên cứ có mưa là nước không thoát được, gây nên tình trạng ngập úng thường xuyên.
Theo Sở Xây dựng, ngoài những nguyên nhân trên thì việc gây ngập úng ảnh hưởng trực tiếp là do các hệ thống cống thoát nước chính đã quá cũ. Thêm vào đó, các cống thoát nước này bị một loạt dây cáp quang, cáp điện... đâm ngang cống làm cản trở dòng chảy, dẫn đến tình trạng ngập úng. Đặc biệt, ý thức người dân còn kém khi vứt rác, che chắn các họng thu nước cũng đã làm cho hạ tầng thoát nước kém phát huy tác dụng.
Tại cuộc họp ngày 20-9 do UBND thành phố chủ trì bàn về việc xử lý thoát nước đô thị đã khẳng định nạo vét, dọn vệ sinh các tuyến thoát nước là điểm cần làm ngay để giảm ngập nước đô thị. Những dự án đang triển khai dở dang thì phải có phương án chống ngập trong và ngoài vùng dự án ngay từ đầu mùa mưa và xem đó là hạng mục bắt buộc đối với bất kỳ đơn vị thi công nào.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG