Chiều 17-11, ông Howard Haidier, Giám đốc Chương trình Phát triển chung của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, đã có buổi làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng về việc triển khai các chương trình hỗ trợ người khuyết tật tại Đà Nẵng từ nguồn USAID và kế hoạch tẩy rửa chất độc Dioxin tại điểm nóng sân bay Đà Nẵng.
Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng, từ năm 2007 đến nay, thông qua nhiều nguồn hỗ trợ từ các tổ chức Phi chính phủ Hoa Kỳ và USAID đã chuẩn chi cho chương trình khắc phục hậu quả dioxin tại Việt Nam lên đến 21 triệu USD. Trong đó, có 2 triệu USD chi cho dự án “Khắc phục môi trường tại sân bay Đà Nẵng: Đánh giá, lập kế hoạch và thiết kế công trình”; 3 triệu USD chi cho các dự án hỗ trợ người khuyết tật thực hiện qua các tổ chức NGO Mỹ; còn lại 16 triệu USD sẽ dùng để tẩy độc môi trường trên thực tế.
Theo đánh giá của Sở, các chương trình hỗ trợ người khuyết tật đã đem lại hiệu quả cũng như sự thay đổi đáng kể cuộc sống của người khuyết tật, các nạn nhân dioxin tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, chương trình cũng còn hạn chế như chi phí hành chính cao dẫn đến chi phí trực tiếp đến với người khuyết tật thấp, các hoạt động hỗ trợ sinh kế chưa bao phủ hết các quận huyện (còn 3 quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn chưa có hoạt động hỗ trợ sinh kế).
Về kế hoạch tẩy rửa chất độc tại sân bay Đà Nẵng, đại diện USAID cho biết sẽ sử dụng giải pháp hấp thụ nhiệt (dùng điện đốt) và dùng thiết bị hút mùi, theo đó sẽ tiến hành đào đất ô nhiễm dioxin, cho vào ống phân hủy, đốt ở nhiệt độ trên 350 độ C. Sau 2 năm sẽ làm sạch vùng đất nhiễm độc và có thể trồng cây, rau an toàn. USAID cũng cho biết tổng kinh phí thực hiện dự án này khoảng 34 triệu USD. Chính phủ Hoa Kỳ hiện mới phê duyệt 16 triệu USD, tuy nhiên cũng đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ để hoàn thành dự án.
Theo Website thành phố Đà Nẵng