Hai bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường và Tài chính đã giải trình về dự án bauxite Tây Nguyên và Vinashin, là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2010 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội 2011, sáng 2-11.
“Quốc hội yên tâm”
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định báo cáo đánh giá tác động môi trường (về dự án khai thác bauxite) do Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) lập, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức hội đồng thẩm định đã được làm rất cụ thể, bảo đảm độ an toàn về môi trường hai khu vực này.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên (Ảnh: Vietnamnet) |
Việc đánh giá tác động môi trường được tiến hành ở cả 4 khu: Khu khai thác mỏ, khu tuyển quặng, hoạt động của nhà máy và khu chất thải theo các tiêu chuẩn hiện đại của thế giới và với các chỉ tiêu về môi trường nghiêm ngặt nhất, cụ thể nhất của Việt Nam. Có thể nói, báo cáo đã được thẩm định và phê duyệt với chất lượng cao nhất.
“Tôi nói như thế để Quốc hội yên tâm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định gồm 21 người, nhiều hơn các hội đồng thẩm định khác 3 lần. Quan trọng hơn, hội đồng này bao gồm 18 nhà khoa học là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, chủ yếu là các Viện trưởng, viện phó, giám đốc các trung tâm khoa học, hiệu trưởng, hiệu phó các trường đại học. Đằng sau họ là hệ thống các viện nghiên cứu, các trường đại học, bao gồm tất cả các lĩnh vực khoa học liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của hai nhà máy này.
Bộ đã tổ chức đoàn công tác của hội đồng tại Australia (nơi có công nghệ xử lý hiện đại), Brazil (có địa hình, đặc tính mỏ giống Việt Nam) và Trung Quốc (nước chuyển giao công nghệ cho Việt Nam) để học tập kinh nghiệm; chuyển giao các chỉ tiêu, tiêu chuẩn, tiêu chí từ khâu khai thác, chế biến, xử lý bùn đỏ để áp dụng trong thẩm định báo cáo. Một tổ tư vấn khoa học cũng đã được thành lập, gồm những tiến sỹ, các nhà khoa học.
Có thể nói, Báo cáo đã được thẩm định và phê duyệt với chất lượng cao nhất
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên |
Trước những quan ngại về độ an toàn, nhất là khả năng phá rừng Tây Nguyên, theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, theo Luật khoáng sản, toàn bộ rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, các khu di tích lịch sử, khu văn hóa dân tộc nhất thiết không được cấp phép khai thác mỏ.
Ở giai đoạn thí điểm này, chỉ cho khai thác những nơi chủ yếu là dưới mặt đất 50-70cm, không có cây mọc được, hoặc chỉ có cây bụi gai và cây lùn. Bộ trưởng nhấn mạnh trong mục tiêu đặt ra có kết hợp khai thác với trồng rừng, tức là mục tiêu kép, có tính đến quy trình trồng rừng, quy trình phục hồi, các trung tâm gây giống...
Bộ trưởng cho biết trữ lượng bauxite Tây Nguyên theo đánh giá khoảng 11 tỷ tấn, nhưng lần này chỉ được khai thác vài chục triệu tấn.
Xung quanh vấn đề bùn đỏ, trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã nghiêm cấm để nước xung quanh chảy vào hồ bùn đỏ. Để giải quyết điều này thì một hệ thống mương sẽ được làm để hứng toàn bộ nước. Lưu lượng nước ở đây cũng đã được lường trước yếu tố biến đổi khí hậu. Bùn đỏ là khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại, độ thấm đã được tính đến mức an toàn nhất.
Viện Vật lý Địa cầu cũng đã vào đo từ nhiều năm nay và xác định độ động đất ở đây tối đa là đến cấp 5, yêu cầu trong thiết kế là đến cấp 7, cao hơn 2 cấp, đã là tiêu chuẩn của thế giới, không thể cao hơn. Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng đã khẳng định khu vực hồ bùn đỏ này không có đứt gẫy.
Trong báo cáo đánh giá tác động cũng đã đề cập đến khả năng vỡ hồ và có phương án xử lý là chia thành 8 hồ nhỏ, trồng cây trên bùn đỏ theo mô hình của Brazil. Đến hồ cuối cùng nếu xảy ra vỡ đã có diện tích khoảng 50ha để chứa.
TKV đang nghiên cứu giải pháp về điều kiện kỹ thuật của diện tích này, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không thể để bùn đỏ tràn. Để đảm bảo TKV có thực hiện đúng, Bộ đã thành lập 1 tổ giám sát, đến khi nghiệm thu xong tất cả các công trình đảm bảo môi trường thì mới cho vào hoạt động.
Theo Bộ trưởng, chưa có một công trình nào Bộ giám sát với điều kiện nghiêm ngặt như thế. Bộ cũng đang chuẩn bị một đoàn đi Hungary để xem xét, sau đó, cùng với ý kiến của các nhà khoa học và nhân dân, tiếp tục rà soát Báo cáo đánh giá tác động môi trường với tinh thần đảm bảo độ an toàn cao nhất dự án bauxite Tây Nguyên.
Vinashin: "Mỗi năm đều có kiểm tra về quản lý vốn và tài sản"
Báo cáo thêm một số nội dung liên quan đến vấn đề quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trong đó có Vinashin, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, về công tác giám sát, Vinashin hoạt động theo mô hình tập đoàn từ giữa năm 2006, đến đầu năm 2007, Bộ Tài chính đã tổ chức một cuộc thanh tra, mỗi năm tiếp theo từ đó đến nay đều có các cuộc kiểm tra về quản lý vốn và tài sản.
Đến 30-6-2010, số nợ của Vinashin là 86.031 tỷ nhưng tài sản trên sổ sách là 103.774 tỷ. Như vậy, số tiền vay này đang nằm trong các tài sản, dự án
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh |
Căn cứ vào kiến nghị của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, ngay từ năm 2008, Thường trực Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, ra nhiều văn bản chỉ đạo rà soát các hạng mục đầu tư, tập trung vào các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính; sắp xếp, cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết, chưa sát với mục tiêu đề ra; tập trung vào các dự án trọng điểm, có chiến lược phát triển và đóng tàu phục vụ dầu khí, đánh bắt xa bờ, tàu sông...
Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, chủ trương tách bạch quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp, giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là nhất quán và đúng đắn, đã được khẳng định trong thiết chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, cũng cần phải rút ra bài học là khi phân cấp, phân công và giao quyền thì phải phù hợp với năng lực và trình độ quản lý của cán bộ doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Đại diện các chủ sở hữu cần làm rõ khi có vấn đề phát hiện ra.
Trong thực tế có những vấn đề chỉ phát hiện ra qua thanh tra, kiểm tra, mà như vậy thì thường phát hiện ra sau (ví dụ việc mua tàu, xây dựng hệ thống cảnh báo...).
Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và phân định rõ hơn chức năng và trách nhiệm của từng cấp trong việc quản lý doanh nghiệp; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và có chế tài đồng bộ, đủ mạnh để các doanh nghiệp phải chấp hành và thực hiện nghiêm các kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, theo số liệu nắm được từ Hội đồng Quản trị Vinashin, đến 30-6-2010, số nợ của Vinashin là 86.031 tỷ nhưng tài sản trên sổ sách là 103.774 tỷ. Như vậy, số tiền vay này đang nằm trong các tài sản, dự án. Hiện Chính phủ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán đánh giá lại các tài sản này.
Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN |
---|