.

Bội chi ngân sách, nợ công và Vinashin

.

(ĐNĐT) - Bội chi ngân sách, nợ công, giá cả tăng, thiếu điện trầm trọng, Vinashin thua lỗ... là những vấn đề được các đại biểu đưa ra mổ xẻ tại buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 1-11 về hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

Đại biểu (ĐB) Huỳnh Nghĩa (Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội thành phố Đà Nẵng)  cho rằng vẫn còn khá nhiều vấn đề bức xúc mà kỳ họp Quốc hội nào cũng đề cập, nhưng vẫn chưa xử lý, để kéo dài năm này qua năm khác. Đó là, giá cả tăng, thiếu điện trầm trọng, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, dạy thêm học thêm, tai nạn giao thông và ùn tắt giao thông, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu, phân hóa giàu nghèo, … chưa có chuyển biến gì nhiều và cũng chưa thấy đưa ra các giải pháp mạnh, đột phá để khắc phục, cải thiện hữu hiệu trong năm tới. 

Ba vấn đề của đất nước hiện nay: nhập siêu, bội chi ngân sách và nợ công

Ba vấn đề quan trọng của đất nước hiện nay, theo ĐB Huỳnh Nghĩa, là nhập siêu, bội chi ngân sách và nợ công, trong báo cáo của Chính phủ vẫn chưa thấy lối ra an toàn. Nhập siêu liên tục nhiều năm với mức khá cao và không có chiều hướng giảm: năm 2006 là 4,8 tỷ USD, năm 2007 là 14 tỷ USD, năm 2008 là 18 tỷ USD và dự kiến năm 2010 là 13,5 tỷ USD. Bội chi ngân sách tương đối cao và liên tục nhiều năm làm cho nợ công những năm gần đây tăng nhanh: năm 2007 là 33,8%, năm 2008 là 36,2% và năm 2010 ước tính 52,6% GDP.

ĐB Huỳnh Nghĩa: Ba vấn đề quan trọng của đất nước hiện nay là nhập siêu, bội chi ngân sách và nợ công (Ảnh: H.H)

Hàng năm phải bố trí 14-16% ngân sách nhà nước để trả nợ, đặc biệt nợ nước ngoài ngày càng tăng lên nhanh chóng; nếu cộng tất cả các con số lại thì mức nợ công của chúng ta mấp mé mức không an toàn; trong khi ngân sách lại đang bội chi, dự trữ ngoại tệ ngày càng giảm,…làm cho kinh tế vĩ mô không ổn định vững chắc và tạo nguy cơ bất trắc không kiểm soát được. Vì vậy, ĐB đề nghị, trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu hơn vào kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa cần được xem là một quốc sách lớn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững

Về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị, cần xác định đúng mức tốc độ tăng trưởng GDP đi đôi với giải quyết vấn đề xã hội và phúc lợi xã hội, không nên đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao mà nên tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát. "Siết chặt quản lý thu chi ngân sách, phải biết quý và có trách nhiệm đối với mỗi đồng tiền thuế của dân đóng góp, đồng thời cơ cấu lại đầu tư, chỉ tập trung cho những dự án thiết thực, có hiệu quả, cương quyết dừng những dự án chưa phải là cấp bách. Xem xét một cách nghiêm túc hiệu quả hoạt động của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước. Giảm bớt một số chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án hỗ trợ có mục tiêu thiếu hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, vốn vay ODA cũng như sử dụng tiền từ nguồn trái phiếu Chính phủ", ĐB Huỳnhg Nghĩa nói.

Nhập siêu liên tục nhiều năm với mức khá cao và không có chiều hướng giảm: năm 2006 là 4,8 tỷ USD, năm 2007 là 14 tỷ USD, năm 2008 là 18 tỷ USD và dự kiến năm 2010 là 13,5 tỷ USD. Bội chi ngân sách tương đối cao và liên tục nhiều năm làm cho nợ công những năm gần đây tăng nhanh: năm 2007 là 33,8%, năm 2008 là 36,2% và năm 2010 ước tính 52,6% GDP

ĐB Huỳnh NGhĩa

ĐB kiến nghị cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao và xem đây là vấn đề then chốt, đột phá. Trước hết phải đổi mới thật sự mạnh mẽ tư duy về đào tạo đại học và trên đại học. ĐB đề nghị cần có thái độ cách mạng thực sự trong lĩnh vực này mới hy vọng góp phần phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao đủ trình độ, năng lực tiếp thu, ứng dụng, phát triển các ngành khoa học kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. 

Quyết liệt truy trách nhiệm về Vinashin

Dù rất “đau xót và khó khăn”, song ngay từ đầu phiên họp, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đã “trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập một ủy ban lâm thời, xem xét trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ Vinashin”.

Theo phân tích của ông Thuyết, việc Vinashin sụp đổ đã chất lên vai người dân món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng, “món nợ mà một tỉnh có thu nhập cỡ 1.000 tỷ đồng/năm phải làm quần quật không ăn uống, mua sắm, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi".

ĐB Lê Văn Cuông: Mọi chuyện phải được giải quyết dứt điểm ngay kỳ họp thứ 8 này

(Ảnh: VNN)

Tán thành với đề xuất của ĐB Thuyết, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nêu quan điểm, mọi chuyện phải được giải quyết dứt điểm ngay kỳ họp thứ 8 này. "Vinashin là giọt nước làm tràn ly, bộc lộ rõ trình độ quan liêu, yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vốn, tài sản Nhà nước của Chính phủ, các bộ ngành chức năng đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được xác định là những đầu tàu, là quả đấm thép của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", ông Cuông nói.

Đồng tình với phân tích, kiến nghị của ĐB Nguyễn Minh Thuyết và ĐB Lê Văn Cuông về vụ Vinashin, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị cần phải có sự mỗ xẻ, đổi mới cách làm, cần làm quyết liệt hơn nhằm đem lại lòng tin cho cử tri cả nước. Theo ĐB, "có một sự thật là việc chống tham nhũng của chúng ta không thể vượt qua “cái bóng” hình thức. Địa phương nào cũng có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Cấp Trung ương cũng có một Ban chỉ đạo đầy uy quyền, nhưng tình trạng tham nhũng vẫn không giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn, điển hình là vụ Vinashin". Do vậy, ông Nghĩa kiến nghị, "đã đến lúc phải xây dựng biện pháp, cơ chế để kiểm soát và đưa hoạt động chống tham nhũng đi vào thực chất, hiệu quả hơn".

Trong khi đó, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) lại bày tỏ sự quan tâm theo hướng khác. ĐB nhấn mạnh: "Tôi và nhiều cử tri hiện nay đang quan tâm nhiều hơn về các vấn đề của "hậu Vinashin", và kế đó là "tân Vinashin". Sau sự kiện Vinashin, liệu sẽ còn những Vinashin nào khác trong số các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước. Các lỗ hổng về luật pháp và thể chế quản lý các tập đoàn kinh tế và các công ty sẽ được khắc phục như thế nào. Những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc buông lỏng quản lý để gây ra hậu quả nghiêm trọng của Vinashin phải được truy cứu trách nhiệm thế nào cho công minh...".

Vẫn liên quan đến Vinshin, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đi sâu phân tích cơ sở pháp lý của việc thí điểm và lập tập đoàn.

Đại biểu Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi hoan nghênh những cố gắng của Thủ tướng, của Chính phủ và những đóng góp của các tập đoàn thời gian qua, nhất là việc Chính phủ đã kịp thời tái cơ cấu Vinashin. Việc thua lỗ của Vinashin là bài học lớn, trong đó có cả trách nhiệm của Chính phủ, của Quốc hội."

Cũng là câu hỏi về trách nhiệm, song theo bà Nga, cần quan tâm đến câu hỏi của cử tri là Quốc hội khóa XI, XII có trách nhiệm gì trong việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế lớn nắm giữ nhiều nguồn lực chủ yếu của đất nước như điện, dầu khí, khoáng sản..., để đến bây giờ khi xác định trách nhiệm trong vụ Vinashin và trách nhiệm về những sai phạm khác của các tập đoàn kinh tế thì trách nhiệm của Quốc hội phải chăng chỉ còn là trách nhiệm của cơ quan giám sát?

HỮU HOA - VNECONOMY

;
.
.
.
.
.