LTS: Cùng với cả nước, thành phố Đà Nẵng đã và đang làm tất cả nhằm thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Song hành cùng công cuộc đổi mới của thành phố, trong những năm qua, ngành Thanh tra thành phố đã có nhiều đổi mới về hoạt động thanh tra, góp phần không nhỏ vào sự nhiệp phát triển KT-XH của thành phố. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam (23-11-1945 – 23-11-2010), phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Phan Tấn Tuyền, Chánh Thanh tra thành phố về nội dung này.
* P.V: Cùng với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng, ngành Thanh tra thành phố đã từng bước được xây dựng, hoạt động và trưởng thành. Những đổi mới của hoạt động thanh tra và kết quả mang lại của ngành Thanh tra thành phố từ sau khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương như thế nào, thưa ông?
- Ông Phan Tấn Tuyền (ảnh):
Năm 1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, ngành Thanh tra thành phố đã xác định phải có quyết tâm cao để vượt qua khó khăn, thách thức; phải tập trung đổi mới phong cách, phương pháp chỉ đạo, điều hành; thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt là huy động sức mạnh to lớn, đồng bộ của cả hệ thống để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua 13 năm đồng hành cùng với sự phát triển của thành phố, Thanh tra thành phố đã chủ động đề ra chương trình kế hoạch công tác thống nhất từ thành phố đến cơ sở và đề ra các biện pháp triển khai thực hiện có hiệu quả đúng theo định hướng chỉ đạo chung của Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố Đà Nẵng.Thành tựu, tiến bộ của hoạt động thanh tra thể hiện trên một số mặt chủ yếu sau:
- Về công tác thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước và thanh tra kinh tế, xã hội, ngành Thanh tra thành phố đã tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như đầu tư xây dựng, tài chính, đất đai, giáo dục, y tế... và đã tiến hành 3.366 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, tình trạng thất thoát, lãng phí, vi phạm xảy ra trong nhiều dự án, công trình và nhất là các công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, phát hiện sai phạm về kinh tế 106,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 106,1 tỷ đồng, kiến nghị yêu cầu các đơn vị được thanh tra kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế. Các cuộc thanh tra đều thực hiện đúng quy chế, kết luận, kiến nghị rõ ràng, có tính khả thi. Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra được các cấp tiến hành kịp thời, hiệu quả, đã giúp cho các cơ quan lãnh đạo tăng cường công tác quản lý.
- Trên lĩnh vực tiếp dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, lực lượng Thanh tra được xem là “trợ thủ đắc lực” giúp thủ trưởng các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác này. Đặc biệt, khi thành phố thực hiện chủ trương quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị, lượng đơn khiếu nại về đền bù, di dời, giải tỏa đã phát sinh khá lớn, tương đối phức tạp. Trước tình hình đó, ngành Thanh tra thành phố đã tích cực tham mưu cho các cấp chính quyền giải quyết tốt các đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phát sinh, đã tham mưu tổ chức tiếp 107.410 lượt công dân; tiếp nhận 27.063 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; đã giải quyết 15.245 vụ việc thuộc thẩm quyền, đạt 97%. Nhìn chung, hầu hết kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đem lại hiệu quả rất cao, quy trình giải quyết bảo đảm đúng chính sách, pháp luật, thấu tình, đạt lý. Bên cạnh đó, ngành thanh tra còn tham mưu giúp thủ trưởng các cấp, các ngành thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như tuyên truyền pháp luật về khiếu nại tố cáo, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
- Trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN): Thanh tra thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố tổ chức triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng; làm tốt đầu mối theo dõi, tổng hợp; tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về PCTN; hướng dẫn Thanh tra quận, huyện, sở xây dựng kế hoạch thanh tra việc thực hiện Luật PCTN, thực hiện kê khai tài sản, công khai minh bạch trong hoạt động hành chính, quản lý tài chính, tài sản công, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra góp phần thực hiện PCTN. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân trong việc PCTN.
Hội nghị tổng kết công tác thi đua năm 2009 của Thanh tra 5 thành phố lớn: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ tại Đà Nẵng. |
- Về xây dựng lực lượng: từ chỗ chỉ còn lại 26 cán bộ, công chức thanh tra (sau chia tách) làm nòng cốt, đến nay ngành thanh tra thành phố đã được tăng cường, phát triển với bộ máy gồm 24 đơn vị (Thanh tra thành phố, 7 Thanh tra quận, huyện, 16 thanh tra sở, ngành) với 161 cán bộ, trong đó thanh tra viên chiếm 60%, trình độ đại học và sau đại học 126 người, chiếm 78%, đảng viên chiếm 76%. Các chi bộ Đảng ở các đơn vị thanh tra hằng năm đều được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, nhiều chi bộ đạt Chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Nhìn chung, trình độ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ thanh tra ngày càng được nâng cao, thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với sự nghiệp cách mạng, ngày càng đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ thành phố giao.
Với những kết quả đạt được trong 13 năm qua, ngành Thanh tra thành phố được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đánh giá cao, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố.
* PV: Được biết, ngành Thanh tra thành phố Đà Nẵng rất thành công trong việc giải quyết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân (đặc biệt là liên quan đến giải tỏa đền bù, đất đai). Vậy những bài học về công tác này như thế nào, thưa Chánh Thanh tra?
- Ông Phan Tấn Tuyền: Bài học đầu tiên đó là sự coi trọng công tác thanh tra mà đặc biệt là coi trọng công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nên có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung với quyết tâm cao của lãnh đạo từ thành phố đến cơ sở. Sự phối kết hợp đồng bộ có hiệu quả giữa chính quyền với các đoàn thể, Mặt trận, quần chúng nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Hai là: Cụ thể hóa các văn bản pháp luật của Chính phủ, bộ, ngành để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương trong từng giai đoạn như ban hành các quy định về giá đất, về đền bù thiệt hại về đất, tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề...; các thủ tục về quy hoạch, kiểm định, các chính sách hỗ trợ...
Ba là: Coi trọng công tác tuyên truyền, công tác dân vận, mỗi cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng đồng thời là cán bộ tuyên truyền pháp luật và làm tốt công tác dân vận, nhất là việc hòa giải ngay từ cơ sở, đi sâu, đi sát và chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân để giải quyết các khiếu kiện thấu tình đạt lý, có như vậy nhân dân mới “Tâm phục, khẩu phục”, mới làm tốt công tác “an dân”.
Bốn là: Công tác giải quyết khiếu kiện luôn gắn với việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo mọi điều kiện để cán bộ và nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình. Thực hiện công khai hóa các dự án đầu tư xây dựng, chính sách pháp luật có liên quan đến việc thực hiện dự án như: phương án đền bù thiệt hại, phương án bố trí tái định cư, các chính sách hỗ trợ... để cán bộ và nhân dân được biết, bàn bạc, kiểm tra, giám sát. Thực tế cho thấy, dự án nào bảo đảm những nguyên tắc trên, thì nơi đó ít xảy ra khiếu kiện và không phát sinh tình hình phức tạp.
Năm là: Việc giải quyết các vướng mắc, khiếu kiện trước, trong và sau quá trình triển khai thực hiện dự án, công trình được giải quyết kịp thời, đúng chính sách pháp luật, có tình, có lý. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân luôn được thủ trưởng các cấp, các ngành trực tiếp tiếp dân, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, thắc mắc khiếu kiện của công dân, đặt mình vào trường hợp của công dân khiếu kiện, tổ chức đối thoại cởi mở, trực tiếp chỉ đạo các cơ quan tham mưu giải quyết tốt các đơn thư, từ đó đã hạn chế được khiếu kiện đông người và tránh xảy ra các điểm nóng.
Sáu là: Cán bộ tham gia tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên để không ngừng nâng cao trình độ nhận thức về chính trị, tư tưởng, trình độ chuyên môn và kiến thức pháp luật; luôn tôn trọng nhân dân, có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân; giải quyết khiếu kiện ngay tại chỗ, bảo đảm tính khách quan, công minh và đúng quy định của Nhà nước.
Bảy là: Các cơ quan chức năng trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình thường xuyên theo dõi, rà soát những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài để kịp thời tham mưu giúp lãnh đạo thành phố chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
* PV: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, được biết trong thời gian đến, ngành Thanh tra thành phố sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp và nội dung hoạt động. Vậy, những định hướng hoạt động chính của ngành Thanh tra thành phố trong thời gian đến là gì, thưa ông?
“Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”. |
Trọng tâm là: Tăng cường thanh tra trách nhiệm về quản lý hành chính Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, trong đó tập trung thanh tra về quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công, quản lý thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách xã hội, thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.
Tập trung thanh tra, chấn chỉnh, xử lý những vấn đề bức xúc, dư luận có nhiều ý kiến như bảo vệ môi trường, thanh tra về dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hàng hóa..
Trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, không để xảy ra bức xúc, bất bình trong nhân dân, giữ ổn định an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết kịp thời các đơn thư liên quan đến nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, phòng ngừa và chống tham nhũng; chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thanh tra phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, chú trọng xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng được phát hiện, các vụ việc được dư luận quan tâm, bảo đảm khẩn trương, đúng pháp luật. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa; chú trọng đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng và thu hồi tài sản do vi phạm mà có.
Trong công tác xây dựng ngành: Quan tâm và tập trung chỉ đạo nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ thanh tra; gắn công tác xây dựng Đảng với việc kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy theo quy định tại Thông tư số 475/2009/TTLT-TTCP-BNV; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đổi mới, cải tiến nâng cao hiệu quả công tác để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao.
* P.V: Xin cám ơn ông!
THU AN (Thực hiện)