.

“Chợ đêm” vỉa hè - Bài 1: Chợ của người thu nhập thấp

.

Cứ vào dịp cuối năm, những đường phố chính ở Đà Nẵng dường như tấp nập người đi mua sắm về đêm. Các “chợ đêm” vỉa hè cũng bắt đầu rộ lên bát nháo làm cản trở giao thông và mất mỹ quan thành phố, mặc cho các Đội Quy tắc đô thị của phường, quận ra sức đẩy, đuổi...

Thoải mái lựa chọn

Mô tả ảnh.
Thỏa sức lựa chọn áo, quần ưng ý.

Khi thành phố lên đèn cũng là lúc các thanh niên, sinh viên rủ nhau dạo “chợ đêm” vỉa hè trên các đường phố chính. Đang bắt đầu vào mùa đông, lại chuẩn bị đến dịp lễ Giáng sinh và năm mới nên hàng quần, áo ấm, giày dép, khăn choàng, mũ len, túi xách, kẹp tóc... xuất hiện khá phong phú trên các vỉa hè đường Lê Duẩn, Điện Biên Phủ, Ông Ích Khiêm, Phan Đăng Lưu... Với túi tiền sinh viên khá hạn chế, nhưng lại có nhu cầu thích mặc đẹp theo trào lưu nên không ít sinh viên lựa chọn giải pháp đi mua sắm ở các “chợ đêm” vỉa hè. Chỉ cần có trong ví từ 50-200 nghìn đồng là có thể yên tâm dạo chợ. Chị Nguyễn Thị Lan, một người bán giày dép trên vỉa hè đường Lê Duẩn cho biết, khách hàng thường xuyên chủ yếu là thanh niên, sinh viên và lao động ngoài tỉnh có thu nhập thấp.

Dạo một vòng từ đường Lê Duẩn lên Điện Biên Phủ, chúng tôi bắt gặp không ít hộ kinh doanh ở vỉa hè, điển hình như bán giày, dép ở vỉa hè trước các số nhà 340, 428 Lê Duẩn, 10 Điện Biên Phủ…, hoặc bán áo, quần ở 59 Lê Duẩn, 90 Điện Biên Phủ... Trong đó, vỉa hè trước dãy nhà khu tập thể 59 Lê Duẩn là một trong những “chợ đêm” được nhiều sinh viên các Trường Đại học Đông Á, Cao đẳng Công Nghệ, Cao đẳng Đông Du... tìm đến. Võ Thị Lựu, sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại cho biết, chúng em thích đi “chợ đêm” Lê Duẩn vì ở đây giá rẻ hợp túi tiền, có nhiều áo quần của nhiều hãng may mặc khác nhau nên có thể thỏa thích lựa chọn.

Hơn nữa, nếu mua ở shop thì chỉ có một loại áo quần của một hãng nên chủng loại, kiểu dáng không phong phú mà giá cả đã được niêm yết sẵn nên rất khó trả giá, trong khi ở chợ vỉa hè chúng em thoải mái trả giá mà không sợ người bán hàng la mắng. Nguyễn Thị Liên, sinh viên năm 3 Trường Đại học Đông Á cho biết thêm, ưu tiên hàng đầu của chúng em là rẻ và đẹp. Vì vậy, dù “chợ đêm” vỉa hè có ở xa đến đâu, chúng em cũng lặn lội đi tìm mua. Sau khi nghe cô bạn Nguyễn Thị Thảo giới thiệu ở khu “chợ đêm” vỉa hè đường Phan Đăng Lưu, trước Trường Cao đẳng Phương Đông có nhiều áo quần đẹp, Liên đã không ngần ngại rủ bạn bè lên đó dạo thử và tất nhiên lần nào ra về cũng “tậu” được một chiếc áo rẻ nhưng không đụng hàng.

Hàng nào tiền nấy

Mô tả ảnh.
Sinh viên chen chúc đi mua sắm ở “chợ đêm” vỉa hè 59 Lê Duẩn.

Ngoài những lúc may mắn mua được hàng đẹp, rẻ nhưng cũng không ít sinh viên lại tiếc ngẩn tiếc ngơ vì mua nhầm những mặt hàng kém chất lượng. Chị Ngô Thị Kim Dung, một lao động người ngoài tỉnh cho hay, có lần em mua được chiếc áo rất đẹp nhưng khi về nhà ướm thử thì phát hiện ra các nút áo bị sút chỉ. Khác với trường hợp của Dung, Hồ Thị Tố Nữ, sinh viên năm 3 Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng bộc bạch, để chắc chắn, em thường thử áo ngay tại chỗ bán, nhưng chẳng may khi kéo phéc-mơ-tuya lên thì không kéo ra lại được. Sợ bị người bán hàng la mắng, Nữ đã nhờ bạn đi cùng nhẹ nhàng kéo áo ra khỏi đầu.

Tuy nhiên, cũng có những món hàng chất lượng nhưng cũ và giá rẻ. Đó hầu hết là loại giày, dép, quần, áo, kính, dây thắt lưng… đã qua sử dụng, mà những người quen mua hàng giá rẻ khuyến cáo: Đừng bao giờ hỏi nguồn gốc của chúng, vì có thể chúng đến đây theo con đường bất minh. Không ai nói thật rằng đó là hàng thu gom từ các mối “chôm chỉa” (trộm cắp), hàng lỗi mốt của các công ty, hay hàng phát mãi từ các cửa hiệu cầm đồ… Bởi nếu không, những món hàng đó đôi khi có giá trị cả triệu đồng, lại chỉ được bày bán với giá khá khiêm tốn, chỉ trên dưới 100.000 đồng. Sự tồn tại tự phát của những “chợ đêm” vỉa hè không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mà đang góp phần “khuyến khích” cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí hàng ăn cắp trà trộn ngày càng nhiều.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: GIA HUY

;
.
.
.
.
.