.

Chuyện về người giúp việc

.
Ngày càng có nhiều người lao động từ các tỉnh ra Đà Nẵng làm người giúp việc cho các gia đình. Trong khi quy định riêng về quản lý người giúp việc không có, bộ phận lao động này cũng gây ra bao phiền toái cho chủ nhà.

Thay liên tục

Mô tả ảnh.
Thông báo tuyển người giúp việc ngày càng nhiều.
Chỉ trong vòng 4 tháng, chị Lê Thị Như Ngọc (đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu) đã phải thay tới 3 người giúp việc. Mỗi người có chút tính xấu khiến gia đình chị đành phải “chia tay” với họ: Người thì ngoài nấu mỗi ngày hai bữa cơm, còn lại ngủ và điện thoại suốt ngày; người thì hay tò mò, soi mói đời tư gia chủ; hoặc cách mấy ngày lại đòi về quê... Và mặc dù được trả công 2 triệu đồng/tháng, ngoài chi phí ăn uống, sinh hoạt, họ đều tìm cách bớt xén tiền chợ, lấy áo quần, thức ăn mang về nhà mình khi chưa được chủ đồng ý. Người này đi, người khác vào thay cũng không hơn gì. Có giai đoạn, chị Ngọc quá mệt mỏi vì không thể tìm ra người ưng ý, đành tranh thủ thời gian việc công để lo cơm nước, áo quần cho hai đứa con còn quá nhỏ.

Người làm công cho chị Nguyễn Thị Dương (đường Âu Cơ, quận Liên Chiểu) có cách qua mặt chủ nhà “ngoạn mục” và kín đáo hơn. Thuê người trông coi cửa hàng mua bán sim-card, điện thoại di động cũ, tiện thể chăm sóc luôn căn nhà mà vợ chồng chị thường xuyên vắng mặt, chị nhiều lần cười như... mếu vì không ngờ mình bị ăn chặn một cách tức tưởi. Các phụ kiện điện thoại mới bị người làm bán đi, thay thế bằng phụ kiện cũ có giá trị chỉ bằng 1/4 hoặc đã hư hỏng. Các loại sim đã được kích hoạt nhưng còn nhiều tiền trong tài khoản cũng được thay bằng các sim “không còn đồng nào”. Lâu lâu, người làm lại thông báo mất cái này, cái kia. Nghi ngờ, trước khi cho nhân viên nghỉ việc, chị kiểm lại hàng hóa mới tá hỏa. “Nhưng chuyện đã rồi! Đa số họ đều là người ngoại tỉnh lên thành phố cũng không có bao nhiêu tiền, bắt đền hết họ lấy gì ăn”, nghĩ vậy, chị Dương đành cắn răng chịu thất thoát với đầy sự ngán ngẩm. Chị kể, người nào làm “được được” thì chỉ ở đúng một tháng để kiếm tiền về quê.

Phải biết gốc gác của người giúp việc

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp người làm đã mang đến bao nỗi phiền lòng cho các chủ nhà. Đối với nhiều gia đình, tìm được một người giúp việc ưng ý, gắn bó là điều quá khó khăn. Theo ước tính của Trung tâm (TT) Dịch vụ việc làm phụ nữ, lượng người đến đăng ký làm người giúp việc tăng theo từng năm, và cho đến nay, số này đã chiếm khoảng 30% tổng số lao động đăng ký tìm các loại công việc. Tuy nhiên, chị Đỗ Thị Ngọc Hoa, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp của TT cho hay, nhiều người đã bị nhà chủ trả về, thậm chí có người phải đi cả chục nhà vì rất nhiều lý do: Không biết sử dụng các trang thiết bị hiện đại, hay đòi tăng lương, bất hòa với chủ nhà, v.v... Có trường hợp “cuỗm” của chủ nhà tới gần 20 triệu đồng. Chính vì những rắc rối đó mà TT khá dè dặt, hạn chế trong việc đăng tuyển, giới thiệu loại công việc trên. Nếu người nào có nhu cầu cấp thiết, chúng tôi khuyến cáo họ yêu cầu người lao động xuất trình hộ khẩu, chứng minh nhân dân, kiểm tra kỹ gốc gác, gia đình, nơi cư trú thường xuyên... của người đến giúp việc nhằm tránh mọi phiền toái về sau”.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, hiện không có quy định nào quản lý người giúp việc, và Sở chỉ chủ yếu quản lý người lao động thuộc các doanh nghiệp. Vì vậy, chủ nhà và người giúp việc cần tuân theo quy định về hợp đồng lao động bằng miệng hoặc bằng văn bản và xử sự hài hòa để có thể cùng nhau hợp tác lâu dài.

Bài và ảnh: HẰNG VANG
;
.
.
.
.
.