Xen lẫn bên những quán xá, cửa tiệm trên đường Trần Cao Vân ồn ào và tấp nập, ngôi nhà mang số 527 nằm lọt thỏm sâu, lặng lẽ đến thinh không. Tuy là nhà mặt tiền, nhưng khi đi vào vẫn khiến tôi có cảm giác e dè bước chân. Đó là nhà ngoại của tân cử nhân sư phạm Nguyễn Thị Kim Anh - cô gái tật nguyền mang trong mình ước mơ cháy bỏng làm cô giáo. Vừa ra trường, mang tấm bằng cử nhân sư phạm Hóa đi khắp nơi để gõ cửa xin việc, nhưng dường như mọi cánh cửa đều im lìm đóng khép bởi vì lý do... em là người khuyết tật, không đủ điều kiện để xét tuyển.
Nỗ lực phi thường của một nữ sinh khuyết tật
Kim Anh ở nhà làm bánh bột lọc phụ giúp mẹ. |
Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở tổ 35, phường An Khê (Thanh Khê), bố làm thợ nề, mẹ bán bánh bột lọc kiếm sống qua ngày và nuôi 3 con ăn học. Thế nhưng cô bé Nguyễn Thị Kim Anh vẫn không nguôi hy vọng về con đường tương lai của mình bằng việc cố gắng học hành để sau này thoát cái nghèo như bố mẹ, cũng là cách để em xoa dịu nỗi đau bản thân và bớt gánh lo âu của gia đình. Câu chuyện được chính em kể lại cho tôi nghe trong ngôi nhà ngoại mà gia đình em đã chuyển sang đây từ đầu năm do nhà ngoại neo người.
Lên 5 tuổi, sau một cơn sốt biến chứng, em bị teo cơ và bại liệt hai chân, đôi nạng gỗ từ đó trở thành vật bất ly thân. Không đầu hàng số phận, biết rõ tình cảnh của mình cũng như gia cảnh nghèo khó, Kim Anh đã không ngừng nỗ lực vươn lên bằng con đường học tập. Em lần lượt vượt qua các cấp học một cách xuất sắc, rồi thi đậu vào khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng với ước mơ trở thành cô giáo. “Em chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ bỏ học, chưa bao giờ nghĩ đến những đòi hỏi đối với gia đình hay ai khác, đơn giản em biết rằng, nhà em nghèo khó, nuôi 3 chị em em nên người như hôm nay khiến ba mẹ vất vả lắm rồi. Bản thân em đã chẳng giúp được gì cho gia đình, nếu không học thì sau này ba mẹ già yếu biết dựa vào ai. Vừa là tự lo cho mình, cũng vừa để bớt gánh nặng cho ba mẹ, nên em chọn con đường học tập thật tốt để khi ra đời có nghề nghiệp nuôi thân”, Kim Anh tâm sự.
Ước mơ bị dập tắt
Ra trường (năm 2010) với tấm bằng đại học loại khá là một điều hạnh phúc lớn lao không chỉ riêng với Kim Anh mà với cả gia đình em, nó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của em. Nhìn con gái, cô Nguyễn Thị Diệu Hoa ứa nước mắt: “Nhiều hôm mưa gió bão bùng, nhưng con bé cứ nằng nặc bắt ba chở đi học để không tụt hậu với bạn bè. Thương con vất vả, nhưng cũng không thể không chiều con, nhìn thế chứ nó cứng rắn và cương quyết lắm. Giờ ra trường rồi, tưởng sẽ nhẹ bớt nửa gánh nặng, nhưng nào đâu khi mấy ngày đầu đi xin việc về, mặt buồn xo, gặng hỏi mãi nó mới khóc và bảo họ không đồng ý cho những người khuyết tật như nó nộp đơn chứ chưa nói chuyện trúng tuyển hay không”.
Khi được hỏi em đã nộp đơn bao nhiêu chỗ rồi, Kim Anh cho biết: “Em đã đi khắp nơi, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục-Đào tạo, kể cả Làng Hy Vọng… nhưng tất cả họ đều từ chối vì em… là người khuyết tật. Nghe qua điều kiện xét tuyển thì em đã chắc chắn mình bị loại rồi, nên không còn tha thiết gì nữa”. Đang vui niềm vui ngày “vinh quy”, thế là mọi ngả đường đều đóng lại với cô bé nạng gỗ này. “Thật ra thì chỗ Trung tâm Giới thiệu việc làm cũng có bảo em cố gắng đợi, nếu có thể sẽ tìm giúp em một công việc phù hợp, nhưng họ cũng chỉ nói vậy thôi chứ không hứa hẹn điều gì cả”, Kim Anh như muốn vớt vát hy vọng có việc của mình với tia sáng yếu ớt từ Trung tâm Giới thiệu việc làm sau lần em đến tư vấn tìm việc.
Không được làm cô giáo thì làm công tác xã hội cũng được
Ước mơ cháy bỏng của cô giáo chưa một lần cầm phấn này là được đi dạy, được đứng trên bục giảng để truyền đạt những kiến thức mình học hỏi được cho học trò. Không chỉ là kiến thức, mà tôi hiểu đằng sau đó em còn muốn truyền cho những người trẻ mai sau về ý chí vươn lên và nghị lực phi thường dù bạn không may mắn như người khác. “Chắc việc đi dạy của em là không thể rồi, nhưng em có thể đi làm công tác xã hội, cụ thể như việc tham gia huấn luyện người khuyết tật, tạo niềm tin cho họ dễ dàng hòa nhập với cộng đồng…
Nhưng dường như cái kiếp em nó khổ, trời không thương nên bắt em cứ phải ăn bám bố mẹ”. Kim Anh cũng cho biết thêm, nếu trong thời gian tới vẫn không thể xin được việc làm, em sẽ đi học thêm nghiệp vụ kế toán để xin vào một công ty nào đó. Hiện tại, Kim Anh ở nhà phụ mẹ làm bánh bột lọc bán để nuôi 2 em trai đang còn đi học. Một đứa học năm 3 Trường Cao đẳng Công nghệ, đứa út học lớp 11 Trường Phan Châu Trinh. Bên cạnh đó, Kim Anh còn nhận dạy kèm một số học sinh có nhu cầu tại nhà.
Rời căn nhà số 527 yên ắng ấy, tôi không khỏi khắc khoải về một tấm gương người khuyết tật đầy nghị lực như Kim Anh. Không đầu hàng số phận, em đã vươn lên mạnh mẽ và đạt được tấm bằng cử nhân sư phạm loại khá để hướng đến ước mơ làm cô giáo. Nhưng vừa ra trường, niềm vui chưa trọn lại mang một nỗi buồn mới từ xã hội. Chẳng biết nói gì để an ủi em, tôi cũng chỉ gỡ gạc mấy câu nhạt thếch: “Thôi cố lên em nhé, anh tin rồi em sẽ có việc làm thôi, xã hội sẽ không quay lưng với em đâu!”
Bài và ảnh: TRỌNG HUY