Cứ đến khoảng những tháng cuối năm là ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) lại tiến hành nhiều biện pháp để... đòi nợ. Tuy nhiên, hy vọng đòi được là không nhiều, bởi con số nợ hiện nay đã lên đến trên 37 tỷ đồng.
Người lao động cần được đóng BHXH để bảo đảm quyền lợi của mình. (Ảnh chụp tại làng nghề đá Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng). |
Doanh nghiệp “quên”... đóng bảo hiểm!
Doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh đều biết rõ quy định trích lợi nhuận hằng tháng để nộp 16% trên tổng số lương của người lao động và người lao động cũng trích 6% tiền lương của mình để đóng bảo hiểm xã hội, trích 3% trên tổng số lương của người lao động và người lao động trích 1,5% trên tổng số lương để đóng bảo hiểm y tế bắt buộc (từ ngày 1-1-2010). Biết vậy, nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp cứ lần lữa, không đóng BHXH và “quên” luôn cả số tiền 6% đã trừ của người lao động. Người lao động thì hầu hết chỉ quan tâm đến tiền lương, nhiều người không biết hoặc chưa chú ý đến việc mình có được đóng BHXH hay không, chỉ đến khi rủi ro xảy ra thì mới “tá hỏa“ vì không được hưởng chế độ. Còn những người lao động biết rõ về vấn đề này thì lại không dám nói gì vì sợ mất việc.
Thế nên, tính đến ngày 30-9-2010, trên toàn thành phố đã có hàng trăm doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền ước khoảng trên 37 tỷ đồng. Đứng đầu trong danh sách “đen” này phải kể đến là: Nhà máy Công nghiệp thời trang xuất khẩu Song Châu (quận Sơn Trà) nợ hơn 660 triệu đồng, với thời gian nợ tới trên 4 năm; Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng-Tổng Công ty Xây dựng miền Trung (quận Thanh Khê) nợ hơn 668 triệu đồng, với thời gian nợ trên 3 năm. Công ty CP Kỹ thuật cơ điện lạnh Tadico (quận Hải Châu) nợ hơn 502 triệu đồng với thời gian nợ trên 2 năm...
Ông Nguyễn Hùng Anh, Trưởng phòng Thu Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết: “Từ ngày 1-1-2007, khi Luật BHXH ra đời thì các đơn vị chậm nộp sau 30 ngày sẽ bị tính lãi suất là 8%/năm. Tuy nhiên, việc này chỉ phần nào hạn chế tình trạng nợ BHXH, bởi so với lãi suất ngân hàng thì lãi suất chậm nộp BHXH vẫn thấp hơn nhiều nên doanh nghiệp “thà“ nợ BHXH hơn là nợ ngân hàng“. Thế là hằng tháng, doanh nghiệp cứ “nghiễm nhiên” bỏ túi số tiền lẽ ra phải đóng và cả tiền lãi, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và vi phạm việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Bởi nếu chủ sử dụng lao động “lờ đi” chuyện này thì người lao động không được chi trả khi ốm đau, thai sản... và không được hưởng chế độ hưu trí hoặc mất sức sau thời gian cống hiến.
Đòi hoài... nhưng chưa trả
Ngành BHXH thành phố cho biết, năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm gần cuối năm là con số nợ BHXH lại “nóng” lên và việc đi đòi cũng làm “đau đầu” các cơ quan chức năng. Hằng năm, đoàn kiểm tra liên ngành gồm có: BHXH thành phố, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH... phối hợp để làm việc với các doanh nghiệp nợ BHXH. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp trốn tránh với muôn vàn lý do. “Chế tài xử phạt của chúng ta còn quá nhẹ. Mức phạt cao nhất cho hành vi không thực hiện nghĩa vụ BHXH chỉ có… 10 triệu đồng, trong khi số tiền nợ của một số doanh nghiệp lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ có chức năng kiểm tra, phát hiện các đơn vị vi phạm rồi kiến nghị cho Thanh tra Sở LĐ-TB&XH chứ chưa được giao quyền xử phạt. Thời gian từ lúc áp dụng xong các chế tài đến khi xử phạt thì đã quá lâu, thiệt thòi nhất vẫn thuộc về người lao động” - ông Anh nói.
Vì nhiều nguyên nhân như thế, nên năm 2008, số tiền các doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng nợ BHXH là 31 tỷ thì đến cuối năm 2009 đã lên đến gần 33 tỷ và sang năm 2010 là trên 37 tỷ đồng. Như vậy, cứ cái đà này thì nợ BHXH năm sau sẽ cao hơn năm trước và việc đi đòi nợ sẽ ngày càng khó khăn hơn. Các doanh nghiệp thì có vô vàn phương cách để đối phó với đoàn kiểm tra. Chẳng hạn như nhiều doanh nghiệp có số lao động lớn nhưng lại đăng ký ít để đóng BHXH cho một số lao động nhằm qua mắt cơ quan chức năng rồi sau đó để nợ đọng, dây dưa.
Hoặc là doanh nghiệp “lách” luật bằng cách ký hợp đồng ngắn hạn (3 tháng) liên tục để không tham gia bảo hiểm... Bên cạnh đó, dù cố gắng hết sức thì một năm, đoàn kiểm tra chỉ làm việc được với khoảng vài chục doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp nợ lại quá nhiều. Những doanh nghiệp quá chây ì, BHXH thành phố chỉ còn nước… khởi kiện, nhưng thậm chí có đơn vị tòa triệu tập cũng không đến dự như: Công ty CP Xây dựng giao thông 325… Vì vậy, năm nào BHXH thành phố cũng phải khăn gói... đi đòi vì quyền lợi của người lao động, mặc cho hành trình này còn lắm gian nan...
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ