LTS: Để biến giấc mơ trở thành “Xứ sở của những ông chồng không bạo lực”, Đà Nẵng đang thực hiện nhiều giải pháp từ cấp thành phố đến cơ sở. Trong chuyên mục “Đừng im lặng trước bạo lực” mỗi tháng một kỳ trên Báo Đà Nẵng, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu những con người cụ thể, những việc làm cụ thể cho thấy thành phố chúng ta đang cùng lên tiếng chống lại nạn bạo hành trong gia đình.
“Nếu bạn gặp khó khăn khi giải quyết các trường hợp mâu thuẫn. Nếu bạn gặp khó khăn khi giải quyết các trường hợp bạo lực gia đình (BLGĐ). Nếu bạn cần sự tư vấn, xin hãy gọi đến số điện thoại…”. Đó là những lời mời gọi hết sức “lạ lùng” được thấy nhiều nơi trên địa bàn phường Bình Hiên, quận Hải Châu. Lạ lùng bởi không phải địa phương nào cũng sẵn sàng lập đường dây nóng và cả Ban Chỉ đạo phòng, chống BLGĐ như nơi này.
Tiếp nhận cuộc gọi 24/24 giờ
Một buổi tư vấn giữ gìn hạnh phúc gia đình do nhóm phòng, chống BLGĐ phường Bình Hiên thực hiện. |
Ngoài số điện thoại bàn của Công an và Văn phòng UBND phường, người dân còn có số điện thoại di động của đồng chí Phó Chủ tịch phường và các thành viên nhóm phòng chống BLGĐ để “cầu cứu” bất cứ lúc nào.
Theo ông Đỗ Đình Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hiên, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống BLGĐ phường, thông thường khi tiếp nhận cuộc gọi, Ban Chỉ đạo sẽ làm theo các bước như kiểm tra, đánh giá sơ bộ tình hình, thực hiện các biện pháp tạm thời bảo đảm an toàn cho nạn nhân. Tiếp đến là thu thập thêm thông tin, lên kế hoạch can thiệp, đánh giá nguy cơ sau can thiệp, trợ giúp, v.v… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, Công an, tổ hòa giải, nhóm phòng, chống BLGĐ sẽ có mặt tức thì ngay khi nhận được điện thoại thông báo của người dân.
Năm 2009, nhóm trực tiếp giải quyết 34 vụ. Trong năm nay là 21 vụ. Một gia đình thuộc diện hộ nghèo thường xuyên có bạo lực đã được hỗ trợ 10 triệu đồng sửa chữa nhà ở. Mô hình Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Gia đình phát triển bền vững được thành lập tại các khu dân cư cũng lần lượt ra đời dưới sự định hướng của nhóm phòng, chống BLGĐ.
Chưa thể khẳng định nhờ Ban Chỉ đạo mà tình trạng BLGĐ trên địa bàn giảm đi, nhưng ông Phúc cho rằng, qua đó hoạt động phòng, chống BLGĐ đã bài bản hơn trông thấy.
Im lặng là thỏa thuận ngầm
Từ ngày thành lập đường dây nóng (cuối năm 2008) đến nay, có trên 60 cuộc gọi không chỉ của chính các đối tượng trực tiếp bị hại mà phần nhiều là của… hàng xóm. “Đôi khi người trong cuộc không thể gọi vào đường dây nóng vì nhiều lý do, thì những người xung quanh có thể giúp phát hiện vụ việc để kịp thời xử lý”, ông Phúc cho biết. Nhìn chung, thái độ im lặng của cộng đồng trước hành vi BLGĐ là điều còn khá phổ biến. Im lặng vô tình là lời thỏa thuận ngầm đối với hành vi bạo lực. Dù số điện thoại đã cung cấp tận nơi, nhưng sự tố cáo vẫn chưa nhiều. Do đó, theo ông Phúc, vấn đề quan trọng lúc này là nâng cao nhận thức của người dân về hành vi BLGĐ. Chỉ khi người dân chịu lên tiếng, bạo lực mới có thể bị đẩy lùi.
Thêm vào đó, hiện nay, các cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống BLGĐ còn thiếu nhiều phương tiện và kỹ năng. “Chưa có khả năng tự vệ trong một số tình huống xung đột căng thẳng là một trong những cái thiếu lớn nhất của đội ngũ này”, ông Phúc nói. Công cụ của Ban Chỉ đạo phòng, chống BLGĐ phường Bình Hiên là căn cứ vào các quy định của pháp luật. Tuy vậy, theo ông Phúc, giải quyết BLGĐ nếu cứ cứng nhắc theo luật là… thua. Có những trường hợp chỉ cần giải thích nhẹ nhàng có tình, có lý thì tất cả êm xuôi, không nhất thiết cứ đưa văn bản này, nghị định nọ ra “hù” đối tượng. Với những đối tượng thuộc tầng lớp trí thức, việc giải quyết càng khó khăn hơn vì bạo lực thường núp bóng dưới những hình thức khó phán xét rạch ròi. Vì thế, có thể thấy người làm công tác phòng, chống BLGĐ vừa là anh cán bộ, vừa là nhà tư vấn tâm lý biết xử sự một cách linh hoạt, lúc nào cần mềm, lúc nào cần rắn. Tuy nhiên, cả kỹ năng này cũng còn là khoảng trống trong nhiều cán bộ hiện nay.
Bài và ảnh: TOÀN VÂN