.

Gặp nguyên mẫu chị Kha trong tiểu thuyết “Hồi đó ở Sa Kỳ”

.

Hàng chục năm qua, nhiều người ở cái xóm nhỏ bên nách chợ Hàn-Đà Nẵng, ai cũng biết và vô cùng quý mến chị Chính thương binh nặng. Một thân một mình, trong hoàn cảnh chỉ còn một chân, một mắt, một tay, chị lặng lẽ vừa chống chèo với cuộc sống, vừa tích cực tham gia cùng các tổ chức từ thiện xã hội, băng rừng, lội suối để mang niềm tin đến với người nghèo ở khắp nẻo miền Trung…

Mô tả ảnh.
Anh hùng LLVTND Trần Thị Chính lúc còn trẻ (ảnh trái) và bây giờ.

Ấy vậy mà không nhiều người biết được rằng, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, khi mới 11 tuổi chị đã là một giao liên năng nổ của phong trào cách mạng ở địa phương. Chị là người phụ nữ đầu tiên trên mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng đã dũng cảm, mưu trí lấy súng AR15 của địch giao cho du kích chiến đấu; là người đầu tiên bắt sống sĩ quan Mỹ ngay giữa chiến trường; là người đã quên mình chặn hướng tấn công của 22 xe tăng địch, để cứu sống 8 thương binh của ta đang ẩn nấp chờ được đưa về hậu cứ; là nguyên mẫu của nhân vật chị Kha trong tiểu thuyết nổi tiếng “Hồi đó ở Sa Kỳ” của nhà văn Bùi Minh Quốc; là nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

Tên đầy đủ của chị là Trần Thị Chính, sinh năm 1945, tại thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ở một vùng đất cách mạng. Cha mẹ chị đều là cơ sở nuôi giấu cán bộ của ta trong thời kỳ chống Pháp. Năm 1951, do bị chỉ điểm, cha chị bị Pháp bắt đưa về đồn tra tấn hòng khai thác thông tin, nhưng ông đã kiên cường trung thành với cách mạng. Biết không làm gì được, giặc Pháp đã chặt đầu ông để uy hiếp phong trào.

Mẹ chị sau đó cũng rơi vào tay giặc, trải qua nhiều trận đòn tra khảo, cuối cùng đã chết vì bệnh tật ốm đau. Anh ruột của chị, mới 16 tuổi cũng đã được các chú, các anh hướng dẫn tình nguyện đi lính cho giặc để làm nội gián. Mấy tháng trong hàng ngũ của quân thù, ông (Trần Lưới) anh chị đã cùng với một người bạn đồng ngũ là cơ sở của ta vẽ thành công sơ đồ đồn giặc, để từ đó ta tổ chức những trận công đồn thắng lợi. Sau đó, ông Lưới bỏ ngũ về tham gia lực lượng bộ đội địa phương huyện Điện Bàn, đến năm 1954 ông bị thương nên được đưa về hoạt động cơ sở ở vùng Đại Lộc (Quảng Nam). Hoạt động chẳng bao lâu thì ông bị giặc truy lùng, phải trốn về quê nhà ở Điện Thọ, Điện Bàn (Quảng Nam) tiếp tục làm cơ sở, rồi thoát ly chuyển sang làm việc ở ngành giao thông cho đến ngày nghỉ hưu.

Năm 1957, mới 11 tuổi, chị Chính đã được các anh ruột của mình hướng dẫn làm giao liên, vận chuyển thư từ cho các cơ sở cách mạng ở địa phương. Sang năm 1958, thời điểm này địch triển khai thực hành Luật 10/59 rất quyết liệt, chúng đánh phá triền miên nên các đường dây cơ sở cách mạng ở địa phương có lúc bị gián đoạn. Năm 1960, chị Chính theo một người anh chuyển vào Sài Gòn và nhanh chóng nối liên lạc với các cơ sở của ta. Ở Sài Gòn, chị ngụ tại số 7/11 đường Nguyễn Huệ-Phú Nhuận. Từ đây, chị tiếp tục làm nhiệm vụ giao liên cho lực lượng Biệt động thành Sài Gòn. Một lần vào đầu năm 1962, chị nhận nhiệm vụ mang kíp nổ đến một địa chỉ ở quận 10, nhưng sau lần ấy, chị được cơ sở của ta thông báo là chị đã bị tình nghi. Ngay sau đó, chị báo cáo với cấp trên và được tổ chức cho quay lại quê nhà để tiếp tục hoạt động hợp pháp.

Trở lại quê nhà ở thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, chị đã tìm một mảnh đất ở chợ Đông Quan để mở tiệm may và tổ chức ngay tại đây một trạm giao liên. Những lúc tình hình yên ổn thì thư từ, chỉ thị từ chiến khu chuyển về khu vực Hòa Vang và 6 xã vùng cát của huyện Điện Bàn đều do các anh nam giới phụ trách. Những lúc tình hình căng thẳng thì chị được phân công mang thư hỏa tốc từ chiến khu gửi về bằng con đường nhanh nhất chuyển đến cho cơ sở ở các xã Điện Nam, Điện Ngọc và Hòa Vang… Với những thành tích và lòng nhiệt thành với cách mạng, tháng 10 năm 1963, chị được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Năm 1964, tình hình bắt đầu căng thẳng, địch quyết liệt dồn dân vào các ấp chiến lược để dễ bề quản lý và tận diệt những mầm mống yêu nước ở địa phương. Chị nhớ lại, lúc ấy địch lùng sục ráo riết, hễ phát hiện ai có dấu hiệu theo cách mạng là chúng trừ khử ngay, rất nhiều kiểu thủ tiêu man rợ đã được chúng áp dụng nhằm diệt trừ và khủng bố lòng yêu nước của đồng bào ta. Trước tình cảnh ấy, lãnh đạo Huyện đội Điện Bàn đã quyết định đưa lực lượng đến phối hợp với du kích của xã Điện Thọ đánh vào các đồn lính bảo an và dân vệ của địch. Sau một trận đánh lớn, ta có 8 đồng chí bị thương.

Chị Chính được các anh giao nhiệm vụ băng bó vết thương, tiếp tế cháo, sữa và bố trí ẩn nấp trong một bãi mía để chờ lúc trời tối sẽ có người mở đường đưa các đồng chí thương binh ấy ra vùng giải phóng. Khoảng hơn 7 giờ sáng, khi chị đang may áo quần ở chợ Đông Quan thì nghe tiếng xe tăng của địch hành quân ầm ầm nhằm vào hướng quê chị. Tiếp đó là tiếng người dân í ới gọi nhau chạy loạn vì sợ đoàn xe tăng này sẽ nổ súng vào làng. Nhìn về hướng đường cái, chị thấy có đến 4-5 chiếc chạy đầu tiên đã vượt từ quốc lộ 1 qua khỏi đường ray xe lửa, rồi tiến thẳng về phía bãi mía nơi có 8 thương binh đang ẩn nấp. Ngay lập tức chị lao tới, dang hai tay chặn đoàn xe tăng rồi gào khóc thảm thiết: “Các anh ơi, cha mẹ em bị các anh pháo kích chết hết, em còn một bầy em dại đang đói rách đứng khóc ở trong kia, các anh mà cán mía của em thì mấy đứa em của em chết đói hết…”.

Chị càng gào khóc thì xe tăng địch càng lao tới. Đến lúc xe tăng tiến gần đến đám mía thì chị nằm ngang xuống mặt đường với ý nghĩ nếu xe tăng có cán chết chị thì người dân sẽ ùa ra để phản đối, lúc ấy những thương binh trong đám mía hy vọng sẽ được an toàn. Thấy chị nằm ngang chắn đường hành quân, đoàn xe tăng của địch dừng lại, mấy tên lính từ trên xe nhảy xuống, dùng dùi cui đánh chị tới tấp. Đau đớn là thế mà chị vẫn ngẩng cao gương mặt thanh xuân để gào khóc thê thiết trước làn roi của kẻ thù. Chợt chị nhìn thấy một tên mang súng ngắn, đoán chắc đây là viên chỉ huy hành quân, nhanh như cắt, chị ngồi dậy rồi nhảy xổ đến ôm chầm lấy hắn than khóc, giãi bày “Anh ơi! Anh cứu em với, cứu mấy đứa em của em với…”.

Tên chỉ huy nghiêm nét mặt hỏi: “Có phải cộng sản biểu mày làm việc này không?”. Chị trả lời rằng “Cả làng này ai cũng biết hoàn cảnh của em, em là thợ may trong chợ chứ có biết chi ai là cộng sản…”. Nghe lời van nài của chị, tên chỉ huy vẫy tay cho đám thuộc hạ tiếp tục hành quân theo hướng khác. Sau lần ấy, chị thở phào nhẹ nhõm khi bất ngờ hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ mà trước đó chẳng ai nghĩ tới và cũng chẳng ai giao cho chị. Tinh thần bất khuất của người con gái thôn Đông Hòa được tổ chức cách mạng địa phương đánh giá rất cao. Chiều hôm ấy, khi mặt trời khuất xa sau rặng núi, xóm làng yên bình hơn vì vắng bóng giặc đi càn. Chị đến tiếp tế, cháo sữa và băng bó lại vết thương cho các anh để những cơ sở của ta tổ chức đưa 8 thương binh ra vùng giải phóng an toàn.

Một lần, chị nghe anh em du kích bàn tán với nhau tìm cách để lấy súng địch đánh lại địch thì hiệu quả chiến đấu sẽ cao hơn. Vậy là chị quyết tâm sẽ thực hiện cho bằng được cái công việc mà nhiều người đang suy nghĩ. Được anh Lý Quý, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Điện Bàn động viên, khích lệ, chị bám chặt một tiểu đội lính ngụy để nắm rõ quân số địch. Trong một trận giao tranh giữa tiểu đội ngụy này với du kích địa phương, có một tên bị trúng đạn ở tay gục xuống bên bờ ruộng, chị Chính đã nhanh trí ôm một nắm rơm chạy đến phủ lên cánh tay của tên lính ngụy bị thương để lấy khẩu súng AR15 mang về giao cho du kích trước sự thán phục của các anh.

(Còn nữa)     

PHAN BÙI BẢO THY 

;
.
.
.
.
.